Lời xin lỗi muộn mằn

Bộ trưởng Trần Hồng Hà trong buổi làm việc với công ty JVE. Ảnh: Gia Chính.
Tám ngày sau khi dầu thải đổ trộm lan vào nguồn nước, anh Sơn nhận được điện thoại từ lãnh đạo Công ty nước sông Đà, trưa 16/10. Cuộc điện thoại đề nghị Trung tâm ứng phó sự cố môi trường Việt Nam (SOS Môi trường) tham gia xử lý sự cố. Sau hơn một tuần cố giải quyết bằng nhiều cách: vớt dầu, tăng lượng clo, súc rửa đường ống, công ty nước mới tìm một đơn vị chuyên nghiệp để giải quyết. "Sự lúng túng" là kịch bản chung mà anh Phạm Văn Sơn, Giám đốc SOS Môi trường nhìn thấy mỗi lần tham gia khắc phục sự cố ô nhiễm. "Lúng túng từ cơ quan quản lý cho đến doanh nghiệp. Họ không biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào", anh nói với tôi. Đó là hệ quả của một quá trình ứng phó mang tính hình thức: từ xây dựng quy trình, mua trang thiết bị cho tới diễn tập. Đến nhiều cơ sở, anh thấy lịch bảo dưỡng định kỳ thưa thớt, thiết bị cũ kỹ, thậm chí là mua sai. Anh cũng nhìn thấy những lãnh đạo doanh nghiệp khi diễn tập lên phát biểu dăm câu ba điều cho xong. Rồi khi xảy ra sự cố thật, những vị ấy trở thành chỉ huy hiện trường, quen xử lý theo kiểu hình thức. Đầu tiên là họp hành, phát biểu, ý kiến. Sau đó có thể là hàng loạt quyết định sai làm cho sự cố ngày càng tồi thêm. Sau khi khảo sát và test nhanh vài phương án, tổ xử lý của SOS Môi trường cùng trang thiết bị có mặt tại hiện trường vụ đổ thải tại đầu nguồn nước sông Đà. Nhưng cũng phải chờ lãnh đạo công ty họp xong và đồng ý phương án, chiều 17/10, những tấm màng ngăn dầu dài 15 – 30 mét rộng mới được căng ngang dòng kênh dẫn nước ngược lên các con suối đầu nguồn. Tổ xử lý sự cố làm việc suốt đêm, cơ bản giải quyết xong những nguy cơ với nước đầu nguồn. Nhưng số dầu khuếch tán trước đó có thể bám dính vào bùn cát, phù sa. Ngày 25/10, tức 17 ngày sau sự cố, chúng tôi quay trở lại hiện trường vụ dổ dầu thải. Đất từ khe núi xuống lòng suối Trầm đã được vét sâu xuống vài mét nhưng vẫn nồng nặc mùi khét giống như lốp cao su bị cháy. Các chuyên viên xử lý ô nhiễm ngửi lâu vẫn bị nhức đầu, dù đã mặc quần áo bảo hộ.
Cùng ngày, Công ty nước sạch sông Đà đưa ra "lời xin lỗi và cầu mong được lượng thứ" gửi đến người dân, đặc biệt là những người bị ảnh hưởng trực tiếp. Đi kèm là tuyên bố miễn phí tiền nước trong một tháng. Công ty cũng thừa nhận "chưa có kịch bản ứng phó phù hợp với tình huống khẩn cấp do con người cố tình gây ra" nên lúng túng trong xử lý sự cố ban đầu. Những nỗ lực khắc phục đều không giấu được tính chất muộn mằn. Với các chuyên gia của SOS Môi trường, cho dù đã rất nỗ lực, vẫn không tẩy được dầu đã ngấm vào bùn. Từ phía chính quyền, những xe tải nước chống đỡ không làm cho cuộc sống của người dân mất nước đỡ ức chế. Từ phía nhà máy nước, một lời xin lỗi và việc không thu tiền nước không làm cho khách hàng của họ bớt lo lắng. Thực ra, khi phát hiện ra một sự cố môi trường, thì mọi nỗ lực gọi là "xử lý" đều đã muộn. "Nước sông Đà nhiễm dầu thải" khiến chúng ta hoảng loạn này hôm nay là thứ còn nhìn thấy, ngửi thấy được. Có những thứ không nhìn thấy được vẫn đang len lỏi vào nguồn nước hàng ngày. Không chỉ có một Công ty gốm sứ Thanh Hà ở tận Phú Thọ thải ra dầu mỡ trong quá trình kinh doanh. Hà Nội còn khoảng hơn 2.000 cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng, rửa xe, kinh doanh xăng dầu. Hàng ngày, dầu mỡ từ những hoạt động này xả ra hệ thống thoát nước. Đây là thủ phạm khiến hàm lượng tổng dầu mỡ trong nước luôn dao động từ 0,5 đến 2,5 mg/ lít, cao hơn quy định cho phép từ 2 đến 3 lần. Số dầu mỡ này đều không được xử lý, xả trực tiếp ra sông, hồ, chảy về các trạm bơm và bơm ra sông Hồng, sông Đáy về hạ lưu, khiến các nhà máy xử lý nước sạch ở các tỉnh thuộc hạ lưu sông Hồng có thể bị ô nhiễm nguồn nước. Dầu mỡ vô cơ thải ra môi trường có chứa Styren. Cơ thể người nhiễm chất này với hàm lượng cao, trong thời gian dài sẽ gây giảm thị lực, tổn thương hệ thần kinh, tăng nguy cơ ung thư thực quản, tuyến tụy. Dầu mỡ khoáng còn chứa Toluen, một chất lỏng không màu làm dung môi hoà tan các loại vật liệu như sơn, chất hoá học, cao su, tiếp xúc trong thời gian dài có thể bị ung thư. Trong dầu còn có Benzen mùi thơm nhẹ, nhưng mùi thơm này lại có thể là tác nhân gây bệnh bạch cầu; hít nhiều có thể gây vô sinh; để rơi vào da gây bỏng rát. Những người tiếp xúc thường xuyên với dầu mỡ công nghiệp có thể mắc các bệnh đường hô hấp, nguy cơ ung thư cao. Việt Nam chưa có quy định bắt buộc các cơ sở kinh doanh phải có hệ thống tách dầu mỡ trước khi thải ra môi trường. Hà Nội đã giao cho Công ty thoát nước áp dụng công nghệ tách dầu mỡ tại các cơ sở kinh doanh. Nhưng không có chế tài, không có quy định bắt buộc, đành trông chờ vào sự "tự giác" của chủ kinh doanh. Đến giờ, sự tự nguyện ấy mới dừng lại ở con số 100 cơ sở. Nếu không có sự phòng ngừa, thì tất cả những việc được làm theo quy trình, từ ứng cứu, đền bù, xin lỗi, thậm chí miễn phí nước đều là vô nghĩa. Điện thoại từ Công ty nước sạch sông Đà là cuộc gọi số 96 trong tổng số 97 sự cố môi trường mà trung tâm tiếp nhận từ năm 2006 đến nay. 80% liên quan đến tràn dầu, ô nhiễm xăng dầu trong đất, nước. Anh Sơn gọi những lần nhận điện thoại như thế là "cực chẳng đã". Nghĩa là mọi sự đã rồi.
Nếu vẫn không có chế tài để kiểm soát dầu thải nói riêng và chất thải nói chung từ nơi sinh ra nó, thì việc ô nhiễm nguồn nước luôn là sự đã rồi, bất kể bạn có ngửi thấy chúng hay không.
Lời nguyện: Lạy Chúa, vì lợi ích cá nhân mà biết bao người dân đang phải gánh chịu những thua thiệt, và những hậu quả không chỉ cho họ mà còn ảnh hưởng đến tương lai của con cháu họ. Xin Chúa soi sáng cho những nhà lãnh đạo quốc gia biết nhìn đến nhu cầu, lợi ích của nhân dân, xin cho những người can đảm nói lên sự thật, làm chứng cho sự thật.

Cửa hẹp (30.10.2019 – Thứ Tư Tuần 30 TN)


  •  
  •  
  •  
Cửa hẹp (30.10.2019 – Thứ Tư Tuần 30 TN)
Lời ChúaLc 13, 22-30
Hồi ấy, trên đường lên Giêrusalem, Ðức Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy. Có kẻ hỏi Người: “Thưa Ngài, những người được cứu thoát thì ít, có phải không?” Người bảo họ: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào, vì tôi nói cho anh em biết: có nhiều người sẽ tìm cách vào mà không thể được. Một khi chủ nhà đã đứng dậy và khoá cửa lại, mà anh em còn đứng ở ngoài, bắt đầu gõ cửa và nói: ‘Thưa ngài, xin mở cho chúng tôi vào!’, thì ông sẽ bảo anh em: ‘Các anh đấy ư? Ta không biết các anh từ đâu đến!’ Bấy giờ anh em mới nói: ‘Chúng tôi đã từng được ăn uống trước mặt ngài, và ngài cũng đã từng giảng dạy trên các đường phố của chúng tôi’. Nhưng ông sẽ đáp với anh em: ‘Ta không biết các anh từ đâu đến. Cút đi cho khuất mắt ta, hỡi tất cả những quân làm điều bất chính!’. Ở đó anh em sẽ khóc lóc nghiến răng, khi thấy các ông Ápraham, Ixaác và Giacóp cùng tất cả các ngôn sứ được ở trong Nước Thiên Chúa, còn mình lại bị đuổi ra ngoài. Thiên hạ sẽ từ đông tây nam bắc đến dự tiệc trong Nước Thiên Chúa. Và kìa có những kẻ đứng chót sẽ lên hàng đầu, và có những kẻ đứng đầu sẽ xuống hàng chót.”

Suy nim:

Cuộc đời thật ra gồm nhiều cửa hẹp.
Cửa hẹp khi thi vào đại học.
Cửa hẹp khi đi xin việc làm.
Cửa hẹp khi muốn đưa trái banh vào lưới.
Sống là phấn đấu bước qua nhiều cửa hẹp.
Cửa càng hẹp, càng phải cố gắng nhiều.
Cửa hẹp mà vào được mới quý.
Nếu thiên đàng có cửa,
thì hẳn vào cửa thiên đàng chẳng phải như dạo chơi.
“Hãy chiến đấu để vào qua cửa hẹp” (Lc 13,24),
vì “cửa hẹp dẫn đến sự sống” (Mt 7,14).

Chiến đấu ở đây là chiến đấu với chính mình,
với cái tôi cồng kềnh của mình,
nặng nề vì những vun vén cá nhân,
phình to vì tự hào và tham vọng.
Thật ra cửa vào sự sống không hẹp
nhưng hẹp vì cái tôi của tôi to quá.
Cần nỗ lực liên tục để giữ cho cái tôi nhỏ lại,
khiêm hạ trước Thiên Chúa, cởi mở trước anh em.
Cần có một cái tôi như trẻ thơ
mới được vào Nước Trời (Mt 18,3).
Cái tôi của chúng ta luôn có khuynh hướng bành trướng
nhờ thu tích nơi mình tri thức, tiền bạc, khả năng.
Cả kinh nghiệm, tuổi tác, đạo đức, chức vụ,
cũng có thể làm cái tôi xơ cứng và khép lại.
Ðể “người lớn” trở nên hồn hậu như trẻ thơ,
cần phải biến đổi và tự hạ (x. Mt 18,3-4).
Ðây thật là một cuộc chiến với chính mình.
Khi hủy mình ra không, ta sẽ dễ đi qua cửa hẹp.

Nhiều người Do Thái đến chậm, khi cửa đã đóng.
Họ gõ cửa và đòi vào.
Họ tưởng thế nào mình cũng có một chỗ nơi bàn tiệc,
bởi lẽ mình đã từng ngồi đồng bàn với Ðức Giêsu,
và đã nhiều lần nghe Ngài giảng dạy.
Tiếc thay, tương quan đó lại quá hời hợt
đến độ Chúa phải lên tiếng nói với họ:
“Ta không biết các anh từ đâu đến!”
Chúa cũng có thể nói với chúng ta như vậy,
dù chúng ta đã dự lễ, rước lễ, nghe giảng, tĩnh tâm...
Chúa vẫn không quen biết chúng ta
vì chúng ta chẳng để cho Ngài đi vào đời mình.
Chúng ta vẫn là những người xa lạ trước mắt Chúa.

Ðời sống Kitô hữu là một cuộc chiến đấu liên tục.
Chiến đấu để qua cửa hẹp nhờ bỏ cái tôi ích kỷ.
Chiến đấu để vào trước khi cửa đóng lại.
Cứu độ là một ơn Chúa ban,
nhưng ta phải nỗ lực mới dám đưa tay đón nhận.
Ước gì chúng ta đừng tự hào vì đã biết Chúa,
nhưng phải làm sao để Chúa biết ta và reo lên:
“Ðây là đầy tớ tốt lành và trung tín.”

Cầu nguyn:

Lạy Chúa Giêsu,
xin cho con dám hành động
theo những đòi hỏi khắt khe nhất của Chúa.

Xin dạy con biết theo Chúa vô điều kiện,
vì xác tín rằng
Chúa ngàn lần khôn ngoan hơn con,
Chúa ngàn lần quảng đại hơn con,
và Chúa yêu con hơn cả chính con yêu con.

Lạy Chúa Giêsu trên thập giá,
xin cho con dám liều theo Chúa
mà không tính toán thiệt hơn,
anh hùng vượt trên mọi nỗi sợ,
can đảm lướt thắng sự yếu đuối của quả tim,
và ném mình trọn vẹn cho sự quan phòng của Chúa.

Ước gì khi dâng lên Chúa
những hy sinh làm cho tim con rướm máu,
con cảm nghiệm được niềm vui bất diệt
của người một lòng theo Chúa.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này