Tối nay chúng ta nhìn ngắm những vì sao – Alì Ehsani
Alì Ehsani, tác giả và cũng là nhân vật chính của cuốn sách “Tối nay chúng ta nhìn ngắm những vì sao”. Đó là một câu chuyện tự thuật, được trình bày dưới dạng độc thoại gửi đến anh trai Mohammed, người đã bị chết đuối khi vượt biển để đến Châu Âu. Mặc dù, câu chuyện có đôi chút nghịch lý nhưng đã được viết ra nhằm khơi lên niềm hy vọng cho những trẻ em được sinh ra tại những đất nước đang có chiến tranh và cho những người đang sống ở Afghanistan.
Afghanistan vào những năm 1990. Alì là một cậu bé cả ngày chơi đá bóng với bạn là Ahmed ở Kabul. Nơi này dù đã bị tàn phá bởi các cuộc đấu tranh phe phái, nhưng vẫn chưa nằm trong tay Taliban. Cha của Alì nói với cậu bé thành phố trước đây không như thế. Một thời, chúng ta đã có rạp chiếu phim, nhà hát và những khu vui chơi giải trí, nhưng Ali chưa bao giờ được nhìn thấy bất cứ điều gì trong số đó. Tuy nhiên, những lời quở trách của cô giáo hay những lời sửa dạy của mẹ thì khiến cho Alì sợ hãi hơn cả chiến tranh.
Alì đã quyết định kể lại câu chuyện của mình trong một cuốn sách “Tối nay chúng tôi nhìn ngắm những vì sao“, được viết cùng với Francesco Casolo và được Feelrinelli xuất bản. Đó là một đoạn độc thoại gửi đến anh trai Mohammed, nhằm khơi lên niềm hy vọng. Một câu chuyện mà những đứa trẻ sinh ra ở các quốc gia có chiến tranh đều biết rõ nhưng đối với những người sống ở châu Âu thì vẫn còn là một điều khó hiểu. Alì viết: “Người ta thường dùng từ ngữ ‘tuyệt vọng’ khi nói về những người di cư, nhưng tôi nghĩ ngày nay, cuộc sống của tôi ở Roma – Ý, lại không có được niềm hy vọng giống như khi chúng tôi quyết định di cư: chúng tôi mang theo niềm hy vọng sẽ đến được một nơi khác tốt hơn, hy vọng mình có thể làm được, hy vọng sống sót và đứng vững, hy vọng về một kết thúc có hậu như trong các bộ phim. Tôi nghĩ là chuyện rất bình thường khi mọi người đều cố gắng cải thiện tình trạng sống của mình và trong một số trường hợp, việc ra đi là cách duy nhất để làm điều đó.”
Hy vọng để đi xa hơn
Một ngày nọ, trên đường từ trường trở về nhà, Alì đã nhìn thấy ngôi nhà của cậu đã trở thành một đống gạch vụn. Cậu nghĩ rằng mình đã đi lạc. Cậu bé ngồi trên bức tường thấp và chờ nghe người anh trai Mohammed, 17 tuổi giải thích rằng nhà của họ đã bị phá hủy và cha mẹ của họ đã bị giết chết. Từ biến cố này, một hành trình đầy can đảm bắt đầu: Alì và Mohammed chạy trốn. Họ chỉ là hai cậu bé mồ côi, lẩn trốn giữa đống hàng hóa, trong khoang hành lý trên chiếc xe tải đi về phía Pakistan. Mohammed đã trở thành cha, anh và là bạn của Alì. Cậu sẵn sàng làm bất cứ điều gì để giữ được lời hứa với em trước lúc ra đi: Cậu muốn Alì có cơ hội trở về và tự do nhìn ngắm những vì sao. Điều mà cậu đã từng làm khi còn là một đứa trẻ. Vào mỗi buổi tối mùa hè, từ trên mái nhà, người cha đã giải thích cho cậu về các chòm sao. Đi qua Pakistan và Iran, hai anh em băng qua sa mạc và núi non bằng cách trốn trên nóc xe tải và trong các thùng xe chở hàng hóa, chuyến xe bị những kẻ buôn lậu cướp bóc, bị những người Taliban đe dọa, nhưng cuối cùng họ cũng lên được tàu và đến được Thổ Nhĩ Kỳ và cuối cùng là đến được đất Ý; Alì tìm mọi cách xoay sở để có thể đến được Roma bằng cách đu bám vào một chiếc xe tải từ Hy Lạp.
“Nghe có vẻ trẻ con, nhưng đôi khi tôi nghĩ cần có một ai đó nói với chúng tôi về một tương lai không còn xa: đừng lo lắng, mọi chuyện sẽ trở nên tốt đẹp hơn”.
Sau khi sống ở nhiều trung tâm đón tiếp khác nhau, cậu đã tìm được một căn phòng ở khu nội trú của trường đại học Sapienza ở Roma vì bảng điểm tốt của anh. Alì khẳng định: “Đối với tôi thật khó để giải thích điều đó” và có lẽ cả những người có cuộc sống khác tôi cũng hiểu. Mặc dù, điều kiện sống của tôi ngay từ khi tôi đặt chân đến đất Ý đã được cải thiện nhưng trong suốt cuộc hành trình, tôi chưa bao giờ cảm thấy tồi tệ như khi tôi đã đến đích. Hy vọng đi xa hơn, đến một nơi nào đó đem lại cho tôi sức mạnh, mang đến cho tôi cảm giác có thể thay đổi vận mệnh của mình vào mỗi một buổi sáng khi thức dậy. Có thể chúng chỉ là những câu chuyện anh em chúng tôi kể cho nhau nghe, nhưng chúng tôi tin vào điều đó. Tôi tự nhủ rằng tôi phải làm hết sức mình để có thể thực hiện được giấc mơ của cả anh nữa, Mohammed, cho cả hai chúng ta: bắt đầu yêu một ai đó, tìm được một ngôi nhà tử tế để sống, có những đứa con và có thể ngẩng cao đầu để bước đi mà không sợ phải liên tục chịu sỉ nhục”.
Alì Ehsani, 26 tuổi, đã tốt nghiệp ngành Luật tại Đại học Sapienza và hiện đang theo học Thạc sĩ ngành Luật Châu Âu. Anh nói: tôi học luật “để tìm hiểu về quyền của tôi và để bảo vệ những người khác”. Năm 2007, vào lễ đêm Phục sinh, Alì đã được rửa tội tại Vương cung thánh đường Thánh Gioan tại Laterano.
Một cuộc sống mới
“Ở thành phố này”, Alì nhớ lại, “Tôi đã gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là sự bất công từ những người muốn kiếm tiền từ những người nghèo. Nhưng nhờ cầu nguyện, tôi đã tìm thấy sức mạnh để đứng dậy từ mọi khoảnh khắc tuyệt vọng, ngay cả khi dường như mọi nỗ lực của tôi đều trở nên vô ích. Tôi là người đầu tiên trong lớp tốt nghiệp: Tôi học cả ngày lẫn đêm, vào buổi tối tôi đi giao bánh pizza. Cuối tuần tôi làm lễ tân tại sân vận động. Vào mùa hè, tôi là người phục vụ bàn và rửa chén. Không ai tin rằng tôi có thể tốt nghiệp, nhưng Chúa thật tuyệt vời”!
“Có một sự im lặng tuyệt vời, mọi người đều ngủ và tôi nghĩ rằng có lẽ điều tôi chưa bao giờ tin là sự thật, rằng chúng tôi có thể bay và chúng tôi được tự do”.
Vào một đêm, Elì thấy tức giận với Thiên Chúa khi cậu thấy mình thật trơ trọi và cô độc, ở giữa Egeo. Trong khi mắt nhắm lại vì quá mệt mỏi, cậu mơ thấy Chúa Giêsu ôm lấy cậu và mở ra một chiếc dù màu vàng che phía trên cậu: xung quanh cậu, có nhiều người đang bắn tên vào họ và vào chiếc dù, nhưng chiếc dù đã đẩy lùi tất cả. Chúa Giêsu lập lại với cậu: “Cha bảo vệ con”. “Tôi đã sống sót qua nhiều năm trong hành trình đến Ý nhờ vào sự giúp đỡ của nhiều người”, cậu nhớ lại, “bởi vì Thiên Chúa yêu thương chúng ta đúng thời, đúng chỗ .” Một ngày kia, Alì bị các bạn cùng lớp thắc mắc gặng hỏi, tại sao cậu không bao giờ đến các Đền thờ Hồi giáo. Cha của Alì đã giải thích cho cậu. Gia đình cậu theo đạo Công giáo tại một đất nước không có nhà thờ. Cha mẹ cậu đã sống niềm tin của mình một cách kín đáo, có lẽ vì họ sợ rằng khi giải thích quá nhiều, Alì sẽ kể lại mọi chuyện với bạn bè và điều đó khiến cuộc sống của chúng tôi sẽ gặp nguy hiểm. Có lẽ, định mệnh của tôi là đến Roma để khám phá niềm tin vào Chúa Giêsu thông qua một nhóm các các thanh thiếu niên của hội “Hiệp thông và giải phóng” và nhờ vào giáo viên môn khoa học. “Thầy đã mời tôi đến tham dự chặng đàng Thánh Giá ở Rimini. Trong chặng đàng thánh giá, tôi tự hỏi những con người này đang tìm gì. Đồng thời, tôi cảm thấy một sự trống rỗng lớn lao trong tôi. Tôi tiếp tục tham dự nhóm và mỗi lần trở về nhà, tôi thấy mình khác hơn, thanh thản hơn. Sau cùng, tôi đã hiểu họ đang tìm kiếm điều gì và đó cũng chính là điều mà tôi đang tìm kiếm. Ngày nay, Alì đã tìm được những gì anh muốn và có thể thực hiện được ước mơ của mình: “Bảo vệ những kẻ yếu thế”, và không bao giờ rời mắt khỏi các vì sao!
Nhận xét
Đăng nhận xét