"Các con là sự Sáng thế gian".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo thánh Matthêu.

Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Các con là muối đất. Nếu muối đã lạt, người ta biết lấy gì mà ướp cho mặn lại? Muối đó không còn sử dụng vào việc chi nữa, chỉ còn ném ra ngoài cho người ta chà đạp lên nó.

"Các con là sự sáng thế gian. Một thành phố xây dựng trên núi, không thể che giấu được. Và người ta cũng không thắp đèn rồi để dưới đáy thùng, nhưng đặt nó trên giá đèn, hầu soi sáng cho mọi người trong nhà. Sự sáng của các con cũng phải chiếu giãi ra trước mặt thiên hạ, để họ xem thấy những việc lành của các con mà ngợi khen Cha các con trên trời".
Sau khi trình bày “tám mối phúc” như một chuẩn mực cho những ai muốn bước theo Ngài, Đức Giêsu tiếp tục đưa ra hai hình ảnh chính để nói về bản chất hoặc sứ vụ của các môn đệ trước những thách đố của môi trường sống ở thế gian. Trong môi trường đó, các môn đệ phải thích nghi thế nào? Phải chăng họ phải thay đổi thích nghi với môi trường hay chối bỏ căn tính của mình để được người ta chấp nhận? Không thể được. Đức Giêsu cho biết các môn đệ như là muối và ánh sáng và vì họ đang sống ở trần gian, nên chính họ phải là “muối đất” và “sự sáng thế gian”.
– “Các con là muối đất” hay “muối cho đời”. Muối rất cần thiết cho cuộc sống và có thể thấm nhập khắp nơi trong môi trường. Dù muối phải hòa nhập và tan biến, nhưng phải vẫn giữ được tính mặn, không đánh mất bản chất thì mới là muối. Giống như muối, các môn đệ Đức Giêsu phải hiện diện trong môi trường sống và tương tác với môi trường đó. Tuy nhiên, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, họ vẫn cứ phải là môn đệ Đức Giêsu, vẫn giữ được lối sống Tin Mừng. Muối không phải là một viên ngọc để cất giữ, bảo tồn. Giá trị của muối nằm ở việc tương tác, khi nó chấp nhận “tự hủy” để “tan biến” vào môi trường chung quanh. Môn đệ là “muối cho đời”. Vì thế, ơn gọi và sứ vụ của họ không hệ tại ở việc lánh đời, xa rời người thế, rút vào cuộc sống tách biệt, nhưng là mở ra, vào đời, tan biến trong thế gian để “ướp mặn đời”. Tuy nhiên, họ không được phép nhạt đi.
– “Các con là sự sáng thế gian” hay “ánh sáng cho trần gian”. Ánh sáng không chỉ là một thành tố căn bản cấu thành vạn vật trong vũ trụ, là yếu tố tối cần trong cuộc hiện hữu con người và thế giới, mà còn là biểu tượng ẩn dụ rất quan trọng trong Kinh Thánh. Ánh sáng tượng trưng cho Thiên Chúa và cho Đức Giêsu, cùng những ai thuộc về Thiên Chúa và Đức Giêsu, như các môn đệ và các Kitô hữu. Đối nghịch với ánh sáng là bóng tối. Bóng tối là biểu tượng của sự dữ và các thế lực sự dữ (x. Mt 8,12; Lc 22,53) đang hoành hành trong lòng thế giới. Giống như ánh sáng, các môn đệ và các Kitô hữu được sai đi tới những nơi đen tối nhất của lòng đời, vào những nơi sâu thẳm nhất của lòng người để chiếu soi ánh sáng Tin Mừng vào đó.“Sự sáng của ngươi tỏ rạng như hừng đông”. Điều làm nên căn tính và giá trị của một tôn giáo không phải là đền thờ nguy nga, là các nghi lễ hoành tráng. Lối sống đầy bác ái yêu thương sẽ làm nên căn tính của dân Thiên Chúa, đồng thời có sức lan tỏa và cuốn hút người khác; qua đó, họ sẽ tìm đến với Chúa, với Hội thánh.
Tôi không biết điều gì khác giữa anh em, ngoài Chúa Giêsu Kitô chịu đóng đinh”. Đó là điều tâm niệm giúp thánh Phaolô hăng say thi hành sứ mạng loan báo Tin mừng. Khi ý thức mình chẳng là gì, ngoại trừ yếu đuối, sợ hãi, run rẩy, cũng không dùng những phương thế hay phương pháp theo kiểu thế gian, thì lúc đó bản thân sẽ trở thành khí cụ cho Thần Khí và quyền năng của Thiên Chúa hoạt động để loan báo Tin mừng Cứu độ.
“Anh em là muối cho đời; là ánh sáng cho trần gian”. Bản chất của Hội Thánh, của các Kitô hữu là “loan báo Tin Mừng” hoặc “Tin Mừng hóa khắp thế gian”, nói cách khác “là truyền giáo”. Sứ vụ này phải được thực hiện trong lòng thế giới và cho thế giới. Các Kitô hữu sẽ là “muối” và “ánh sáng” để ướp mặn và chiếu sáng thế gian.
Tuy nhiên, để sống đúng căn tính và thi hành trọn sứ vụ, Kitô hữu chúng ta thực sự “phải mặn” và “phải chiếu sáng”. Chúng ta không còn là môn đệ Đức Giêsu khi lối sống và các hành vi của chúng ta không còn “ướp mặn đời”, không còn “chiếu sáng thế gian”. Vì thế, chúng ta phải coi chừng kẻo để mình trở nên nhạt đi, mất “nhiệt tình” trong công cuộc loan báo Tin Mừng, mờ đi, mất hết gương sáng. Do đó, chúng ta cần phải Tin Mừng hóa bản thân trước, nuôi dưỡng sự nhiệt tâm, rồi mới có thể Tin Mừng hóa môi trường xung quanh.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này