Chúa nhật XIV TN năm A: Hiền lành và khiêm nhường
Ngày xưa, có một vị đạo sỹ khá nổi tiếng về sự thông thái và nếp sống đạo đức. Nhiều học trò từ khắp nơi tìm đến để xin thụ giáo nơi ông. Trong ngày khai môn, vị đạo sỹ quy tụ các đệ tử trong chiếc sân rộng trước nhà, ở giữa có một pho tượng bằng đá. Trước mặt các học trò, ông chẳng nói chẳng rằng, chỉ cầm trên tay một nắm đá, ném tới tấp vào pho tượng và nặng lời chửi rủa, sau đó ông ra hiệu giải tán. Chiều tối, ông lại quy tụ các học trò đến trước pho tượng và lặng lẽ cúi đầu xin lỗi vì hành vi xúc phạm ban sáng. Ngày này sang ngày khác, tháng này sang tháng kia, ông cứ lập đi lập lại hành vi ấy, ban sáng chửi bới pho tượng và trước khi đêm về ông lại cúi mình xin lỗi. Một người học trò sốt ruột hỏi ông ta : “Thưa thầy, chúng con đến đây để tầm sư học đạo mong thầy chỉ giáo, nhưng suốt cả tháng qua, thầy chẳng dạy chúng con điều gì, ngoài trừ mỗi một hành động thầy làm xem ra có vẻ ngớ ngẩn và vô nghĩa”. Bấy giờ, vị đạo sĩ mới nói với các học trò : “Tất cả bài học mà thầy muốn truyền đạt, nằm ở pho tượng kia. Chúng con hãy suy nghĩ và sống như vậy. Khi bị rủa xả, nó không giận, không cự cãi. Khi được người ta xin lỗi, nó cũng không vênh váo hay tự đại. Điều thầy muốn dạy bảo các con, là hãy sống hiền lành và khiêm tốn như thế.”
Hãy học với ta, vì ta hiền lành và khiêm nhường
Bài học Chúa dạy chúng ta hôm nay cũng là hãy sống tinh thần hiền hòa và khiêm nhường. Nhưng, chúng ta không sao chép lại sự hiền lành và khiêm tốn từ nơi bức tượng vô tri vô giác kia. Chúng ta cũng chẳng cần học hỏi sự hiền lành và khiêm tốn nơi các vị hiền nhân quân tử mà sử sách đã nêu gương. Chúa mời gọi chúng ta hãy học hai bài học căn bản này nơi chính trường học của Ngài, phát nguyên từ trái tim nhân lành và yêu thương nơi Ngài. “Anh em hãy học cùng tôi, vì tôi có tấm lòng hiền lành và khiêm nhường”. Chúa Giêsu là vị tôn sư duy nhất và tuyệt hảo mà chúng ta cần phải đến để thụ giáo. Chỉ mình Đức Giêsu là chuẩn mẫu duy nhất để chúng ta noi theo. Ngài không dạy chúng ta bằng lý thuyết mô phạm, nhưng chính cuộc sống và cái chết của Chúa trên Thập giá đã diễn bày hai phẩm tính ấy một cách tròn đầy.
Vào năm 1944, Hit-le, tên trùm phát xít Đức đã cao ngạo dương oai muốn thôn tính cả thế giới và tập trung quyền bính trong tay mình. Một vị chính khách đã mỉa mai tự hỏi: “Con người đầy tham vọng và kiêu căng này đã chiếm biết bao lãnh thổ. Hắn sẽ dừng lại ở lãnh thổ nào đây ?”. Nghe vậy, một vị giáo sĩ trả lời: “Chắc chắn ông ta sẽ phải dừng lại trên một lãnh thổ rất chật hẹp, vỏn vẹn chỉ hai thước đất, đủ để chôn ông ta mà thôi”. Cũng tương tự như thế, hoàng đế Napolêon đã từng ngạo nghễ bắt giữ ngay cả Đức Thánh Cha Piô VII và giam Ngài ở đảo Saint Hélène. Vào cuối đời, ông bị thất trận tơi tả, và chính ông lại bị biệt giam tại hòn đảo ấy, nơi mà ông đã kiêu ngạo giam giữ vị sứ giả của Chúa. Phi hành gia Gagarin của Liên Xô sau một vòng bay quanh bầu trời bao la đã kệch cỡm tuyên bố: “Tôi đã bay vào vũ trụ mênh mông và lùng sục khắp nơi mà chẳng tìm thấy một ông gìa nào có tên là Thiên Chúa đâu cả”. Sau lời phát ngôn đầy kiêu căng đó, con thuyền Spounik của ông đã nổ tung. Câu chuyện về con tàu Titanic chìm sâu giữa đại dương vào năm 1911 cũng giống hệt như vậy. Người ta đã kiêu ngạo treo một bảng hiệu trên thành tầu với hàng chữ ‘Ở đây không có Thiên Chúa’ (There is no God). Biến cố bi thảm ấy là một lời cảnh báo đối với sự cao ngạo của con người. Tất cả những dẫn chứng trên giúp chúng ta nghiệm ra rằng, ‘Chúa giơ tay biểu dương sức mạnh, dẹp tan phường lòng trí kiêu căng. Chúa hạ bệ những ai quyền thế, Người nâng cao mọi kẻ khiêm nhu’.
Trong thư Rôma, thánh Phaolô đã viết: “Vì một người duy nhất mà tội lỗi đã xâm nhập trần gian, thì cũng nhờ một người duy nhất mà chúng ta được công chính hóa” (Rm 5,18). Con người đầu tiên ấy chính là Adam và tội gây nên cái chết cho con người chính là tội kiêu ngạo. Ngược lại, Đức Giêsu – Adam mới, đã phục hồi cho chúng ta phẩm giá làm con, qua sự khiêm tốn tự hạ nơi Người.
Trong thư Philipphê, Thánh Phaolô cũng đã viết một bài thánh thi nổi tiếng, họa lại bài ca về ‘Người tôi tớ đau khổ’ trong sách tiên tri Isaia để mời gọi chúng ta chiêm ngắm mẫu gương nơi Chúa Giêsu. Ngài viết : “Đức Giêsu Kitô vốn là Thiên Chúa, mà không nghĩ nhất thiết phải duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống như một phàm nhân. Ngài lại còn hạ mình vâng lời cho đến chết và chết trên cây Thập giá (Philip 2, 6-8). Bài học khiêm nhường Chúa nói hôm nay chính là bài học được hiển thị rõ nét nơi cái chết của Ngài.
Con chiên hiền lành bị đem đi xén lông mà không kêu ca mở miệng
Ở đời người ta vẫn thường hay nói ‘Nhịn là nhục’. Nhiều người vẫn chủ trương phải tranh đấu để có thể tồn tại trong xã hội. Giáo huấn mà Chúa Giêsu trình bày hôm nay xem ra rất nghịch thường và khó chấp nhận. “Ai tát con má bên phải, con hãy đưa luôn cả má bên trái, ai bắt con đi một dặm, con hãy đi với nó hai dặm”. Theo lý luận thông thường, chẳng ai dại dột làm thế. Nhưng đây là sự khôn ngoan của nước trời cho dù đối với thế gian, đó quả là sự khờ dại và điên rồ. Thánh Phaolô cắt nghĩa : “Cái điên rồ của Thiên Chúa còn hơn sự khôn ngoan của loài người. Cái yếu đuối của Thiên Chúa lại còn hơn sự mạnh mẽ của trần gian.” (1 Cor 1,25).
Trong bài giảng trên núi, Chúa Giêsu cũng đưa ra quy chuẩn về sự trọn lành mà chúng ta vẫn thường gọi là bản ‘Hiến Chương Nước Trời’. Một trong những mối phúc, những quy chuẩn căn bản của bản hiến chương ấy, là ‘Phúc cho những ai sống hiền lành’.
Khi đi vào trần gian, Chúa Giêsu đã đến rất âm thầm trong tĩnh lặng, mặc lấy hình hài của một thơ nhi nhỏ bé và yếu ớt. Ngài đã trải qua 30 năm tại Nazarét trong cuộc sống rất bình lặng, chung chia thân phận làm người giữa những dân quê chất phác và mộc mạc. Sự hiền lành ấy được thể hiện rõ nét hơn nơi cái chết của Chúa trên Thập giá. Ngài đã bị chửi rủa, bị lăng mạ, bị bêu xấu, nhưng Chúa tuyệt đối không cãi một lời, không đối lại một câu. Sự thinh lặng ấy không phải là một sự câm nín cách vô nghĩa, nhưng đó là một loại hình ngôn ngữ diễn bày sự hiền lành sâu thẳm nơi Ngài. Ngôn sứ Isaia đã phác vẽ dung mạo hiền từ của Đức Kitô, Đấng sẽ bị sát tế như một ‘Con chiên hiền lành bị đem đi xén lông mà không hề kêu ca hay mở miệng’.
Trong cuộc sống hôm nay, đây là hai bài học căn bản, vạch dẫn cho chúng ta con đường vươn tới hoàn thiện, nhưng quả là rất khó để thực hành. Ai trong chúng ta cũng có cái tôi to đùng, thích được người ta nể trọng. Mọi người đều biết rằng, Thập gía là lý tưởng của mọi Kitô hữu và Chúa Giêsu vẫn nhắc đi nhắc lại lời mời gọi của Ngài : “Ai muốn theo tôi hãy bỏ mình vác thập giá mình mà theo”. Biết thế, nhưng thực hành không phải là chuyện giản đơn.
Kết luận
Kinh điển Phật giáo có thuật lại một giai thoại. Một người kia mang đến dâng cho Đức Phật hai bó hoa, một bó cầm bên tay phải và một bó cầm bên tay trái. Ông đến dâng lên bó hoa cầm nơi tay trái. Đức Phật ngắm nghía một lát và nói với ông : “Hãy vứt đi”. Người đàn ông kia vứt bó hoa xuống đất và dâng cho Đức Phật bó hoa còn lại bên tay phải. Đức Phật cũng nói : “Hãy vứt xuống”. Người đàn ông không hiểu và hỏi lại: “Thưa Ngài, con đã vất cả hai bó hoa xuống đất rồi, con phải làm gì nữa ?”. Đức Phật mới trả lời: “Ta không bảo phải vứt những bó hoa này mà hãy vứt đi chính người đang cầm hoa”. Trong cuộc hành trình theo Chúa Giêsu, chúng ta hãy tập vứt bỏ chính mình, giống như Chúa Giêsu đã nêu gương. Ngài đã đi đến tận cùng của mầu nhiệm tự hủy và hôm nay Chúa cũng mời gọi chúng ta hãy sao chép lại cách sống của Ngài : “Anh em hãy học với tôi, vì tôi hiền lành và khiêm nhường trong lòng”.
Nhận xét
Đăng nhận xét