Lễ Thánh Tô-ma Tông Đồ


Lễ Thánh Tô-ma Tông Đồ

“Phúc thay những người
không thấy mà tin!”

(Ga 20, 24-29)

24 Một người trong Nhóm Mười Hai, tên là Tô-ma, cũng gọi là Đi-đy-mô, không ở với các ông khi Đức Giê-su đến.25 Các môn đệ khác nói với ông: “Chúng tôi đã được thấy Chúa!” Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin.”

26 Tám ngày sau, các môn đệ Đức Giê-su lại có mặt trong nhà, có cả ông Tô-ma ở đó với các ông. Các cửa đều đóng kín. Đức Giê-su đến, đứng giữa các ông và nói: “Bình an cho anh em.”27 Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.”28 Ông Tô-ma thưa Người: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con! “

29 Đức Giê-su bảo: “Vì đã thấy Thầy, nên anh tin. Phúc thay những người không thấy mà tin! “


Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ kính Thánh Tô-ma Tông Đồ, thánh sử Gioan kể cho chúng ta nghe về hành trình đức tin của thánh nhân và mời gọi chúng ta nhận ra chính chúng ta nơi hành trình này.

Hành trình gồm ba yếu tố, liên quan mật thiết với nhau và luôn luôn hiện diện trong đời sống đức tin của chúng ta: Ước ao «đi theo Đức Ki-tô chịu đóng đinh» một cách cụ thể, lắng nghe lời chứng về Người đang sống động và kinh nghiệm đích thân gặp gỡ Người.

Ba lời đáp ca trong giờ Kinh Sáng và Kinh Chiều của ngày lễ kính thánh Tông Đồ Tô-ma cũng diễn tả thật rõ ràng ba yếu tố làm nên nền tảng của ơn gọi « Thừa Sai Đức Tin » (tên riêng của Hội Dòng Thừa Sai Đức Tin, được viết tắt là MF) :

Ông Tô-ma thưa cùng Chúa:
“Lạy Thầy, chúng con không biết Thầy đi đâu,
thì làm sao biết đường?”
Chúa Giê-su đáp lại:
“Thầy là đường, là sự thật, và là sự sống.” (Ga 14, 5)

Khi Chúa Giê-su hiện đến, thì ông Tô-ma vắng mặt,
các môn đệ nói với ông:
“Chúng tôi đã được thấy Chúa.” Ha-lê-lui-a. (Ga 21, 25)

Chúa Giê-su bảo ông Tô-ma:
“Ðưa bàn tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy,
đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ha-lê-lui-a. (c. 27)

1. “Chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài”

Trong Tin Mừng theo thánh Gioan, chúng ta ít nhất nghe thánh Tô-ma lên tiếng bốn lần :

  • “Chúng ta cũng vậy, chúng ta hãy đi để cùng chết với Ngài” (Ga 11, 16).
  • “Thưa Thầy, chúng con không biết được Thầy đi đâu, thì làm sao chúng con biết được đường đi” (14, 5).
  • “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin” (20, 25). Khởi đi từ hai lời nói trước của thánh Tô-ma, chúng ta có thể nhận ra tâm tình thật sự ẩn đàng sau lời nói, vẫn bị coi là cứng lòng tin, đó là “tôi khao khát Thầy vẫn còn hiện hữu trên cõi đời này, hiện hữu bằng xương bằng thịt, để tôi tiếp tục đi theo Thầy”.
  • Cuối cùng là lời tuyên xưng đức tin vượt qua vô hạn điều ông Tô-ma nhìn thấy: “Lạy Chúa của con, lạy Thiên Chúa của con”.

Qua những lời này, chúng ta có thể nhận ra nơi thánh Tô-ma một sự quyết tâm rất lớn muốn đi theo Đức Giê-su, không phải trong tư tưởng, nhưng bằng «chính đôi chân của mình». Đây đã một lời mời gọi đầy ý nghĩa đối với mỗi người chúng ta.

Tuy nhiên, cứ mỗi lần ông Tô-ma lên tiếng, Đức Giê-su đều mời gọi ông đi từ bình diện hữu hình sang bình diện vô hình, từ bề ngoài sang bề trong, từ bề mặt sang bề sâu : cuộc Thương Khó và nhất cái chết của Đức Giêsu trên Thập Giá không đơn giản như ông Tô-ma nghĩ, nghĩa là cái chết của Thầy là cách Thầy thử thách người môn đệ, hoặc là tai họa không đáng có, nhưng không tránh được, thì « tôi sẽ đi chết với Thầy cho trọn tình trọn nghĩa! » ; và đường đi không phải là đường bộ, nhưng là chính ngôi vị của Đức Giê-su, bởi vì chính Người là “Đường Đi”.

 2. “Chúng tôi đã được thấy Chúa”

Thánh Tô-ma cứng lòng tin, nhưng không chỉ thánh nhân, mà tất cả các tông đồ khác nữa. Thật vậy, Đức Ki-tô phục sinh khiển trách thánh Tô-ma, như đã khiển trách các tông đồ, vì đã không tin khi nghe lời chứng của các chứng nhân (x. Mc 16, 9-15).

Thật vậy, đáng lẽ ra, với lời chứng của các tông đồ khác, ông Tô-ma đã phải tin rồi. Vì khi gặp ông Tô-ma, Đức Giê-su Ki-tô phục sinh sẽ trách ông : “Đừng cứng lòng nữa nhưng hãy tin”. Ông Tô-ma vẫn muốn có được Đức Giêsu như xưa kia, trong khi Ngài đã đi vào trong sự sống mới. Vì thế, tương quan với Thầy, việc đi theo Thầy cũng sẽ mới. Đức Ki-tô không còn hiện diện với các môn đệ, và với chúng ta hôm nay một cách thể lý nữa, nhưng qua Thần Khí của Ngài, qua Lời của Ngài, qua các bí tích, qua những ơn huệ, qua những con người mà chúng ta được sai đến để phục vụ, nhất là những người bé nhỏ, nghèo hèn, bị thua thiệt, qua tương quan hiệp nhất, qua hành vi « bẻ bánh » của chúng ta, nghĩa là chia sẻ sự sống.

Thánh Tô-ma muốn thấy và không chỉ muốn thấy, mà còn muốn đụng ? Và rồi khi Chúa tỏ mình ra, Người mời gọi đụng vào Chúa, nhưng thánh nhân không dám đụng ! Đó là vì Người vừa là Đức Giê-su trước cuộc Thương Khó và vừa là Đức Chúa, là Thiên Chúa chiến thắng sự dữ và sự chết, vừa là Đấng Khác Hẳn, vượt không gian và thời gian. Vì thế, người ta không thể tự mình nhận ra ngay, mỗi khi Người tỏ mình ra.

 3. “Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”

a. « Người cho các ông xem tay và cạnh sườn”

Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho các tông đồ và cách đặc biệt với thánh Tô-ma mà chúng ta mừng kính hôm nay, với dấu chỉ « tay và cạnh sườn » bị đâm thâu, được đặc biệt nhấn mạnh, theo lời kể của thánh sử Gio-an :

Nói xong, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn(c. 20)

Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin”. (c. 27)

Và chính thánh Tô-ma, khi nghe lời chứng của các tông đồ về kinh nghiệm gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh, cũng quan tâm chính xác đến dấu chỉ «tay và cạnh sườn» chịu đâm thâu của Người, trong cuộc thương khó :

Ông Tô-ma đáp: “Nếu tôi không thấy dấu đinh ở tay Người, nếu tôi không xỏ ngón tay vào lỗ đinh và không đặt bàn tay vào cạnh sườn Người, tôi chẳng có tin”[1](c. 25)

Đấng chịu đóng đinh, « tay và cạnh sườn » bị đâm thâu và đã chịu chết, nhưng nay vẫn hiện diện. Đó chỉ có thể là sự hiện diện thần linh, vượt qua bình diện thể lý, như thánh Tô-ma tuyên xưng : « Lạy Chúa của con… », và vì thế, vẫn mời gọi lòng tin : « Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin ».

« Đấng Phục Sinh với vết thương ở tay và cạnh sườn ». Đó chính là hình ảnh sống động và thiêng liêng của MẦU NHIỆM VƯỢT QUA : ĐỨC KI-TÔ CHẾT và PHỤC SINH, mầu nhiệm mà chúng ta cử hành mỗi ngày trong Thánh Lễ. Đấng Phục Sinh với vết thương ở « tay và cạnh sườn » vẫn bày tỏ sự hiện diện thần linh của Người cho chúng ta, khi mời gọi chúng ta « đọc cuộc đời của chúng ta dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua » :

  • Đức Ki-tô phục sinh mời gọi hai môn đệ trên đường Emmau : đọc hiểu Kinh Thánh và đọc hiểu đời mình dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Nhờ đó, họ nhận ra Người đang hiện diện sống động (x. Lc 24, 13-35).
  • Đức Ki-tô phục sinh mở đường, soi sáng và thêm sức, dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Người, cho các tông đồ và cho chúng ta hôm nay, trong hành trình sống Lựa Chọn đi theo Người trong một ơn gọi.
  • Đức Ki-tô phục sinh tỏ mình ra cho chúng ta cách đặc biệt, ngang qua «kinh nghiệm về ân sủng», mà cha Karl Rahner đã mô tả như sau : « Đó là khi ta vâng lời, không phải vì bó buộc, để tránh bị rày rà, nhưng chỉ vì một huyền nhiệm… Khi ta tỏ lòng tốt với một ai đó mà không mong chờ một sự biết ơn hay thông cảm » (Jean Lafrance, Cầu nguyện cùng Cha trong thầm kín, trang 153).

Như thế, chính Đức Ki-tô mời gọi chúng ta đón nhận và đi vào kinh nghiệm thiêng liêng của mối phúc : « Không thấy mà tin ». Không thấy, nhưng đó không phải « cả tin », vì sự hiện diện của Đức Ki-tô phục sinh được nhận ra qua những dấu chỉ (sáng tạo, lịch sử, « tấm bánh »), mang lại ý nghĩa và hoa trái cho cuộc sống ngay hôm nay.

« Phúc thay những người không thấy mà tin!”

Tám ngày sau ; có nghĩa là đúng một tuần. Đó là đêm tối của đức tin, nhưng cũng là thời gian cần thiết để đi tới đức tin đích thật. Thực vậy, ông Tô-ma đã trở thành con người khác, sau thời gian một tuần : ông đã không làm điều ông tuyên bố, mặc dù chính Đức Giêsu mời ông thực hiện. Đức Ki-tô khởi đi từ điều ông Tô-muốn, nhưng là để mời gọi ông đi xa hơn và sâu hơn trong cách thức tin, hiểu, yêu và đi theo Đức Ki-tô Phục Sinh. Ông tuyên xưng :

Lạy Chúa của con,
lạy Thiên Chúa của con. 
(c. 28)

Đức Giêsu phục sinh mà ông « nhìn thấy » trước mặt ông là một « Đấng Khác », không như ông đã nghĩ. Đó là sự hiện diện thần linh, sự hiện diện của Đấng vô hình. Biến cố hiện ra này, cũng như tất cả các biến cố khác (chẳng hạn trong trình thuật về cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô phục sinh của bà Maria Mác-đa-la, của hai môn đệ trên đường Emmau) làm cho chúng ta hiểu ra rằng, người ta không tự mình nhận ra Đức Kitô Phục Sinh, nhưng chính Ngài đến và cho nhận ra thì người ta mới nhận ra, bởi vì Đức Ki-tô sau cái chết đã đi vào sự sống mới.

Tương quan giữa chúng ta cũng cần vượt qua sự hiện diện hữu hình : tuy không thấy nhau, chúng ta vẫn được mời gọi sống sự hiện của nhau, ngang qua quà tặng, ngang qua ơn huệ. Điều này đặc biệt quan trọng trong huấn luyện : giữ tương quan ngay trong sự vắng mặt.

Như thánh Tô-ma, chúng ta hãy có lòng ước ao mạnh mẽ « thấy » Chúa để đi theo Người một cách cụ thể ; và xin cho chúng ta vượt qua bình diện thấy thể lí, để có thể nhận ra Đức Giê-su Ki-tô, là Đức Chúa Phục Sinh, ngang qua các dấu chỉ sáng tạo, sự sống, cuộc đời, ơn gọi, Lời Chúa, Thánh Thể dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua trong cuộc đời của chúng ta. Và như thế, chúng ta có thể nhận ra sự hiện hiện của Chúa ngay trong lòng chúng ta, vì Người đã từng nói : « Anh em hãy ở lại trong Thầy, như Thầy ở lại trong anh em. » Và như thế, chúng ta sẽ hưởng được mối phúc mà Đức Ki-tô công bố :

Phúc thay những người
không thấy mà tin. 
(c. 29)

Đó là mối phúc nhận ra, ở lại, đi theo và trở nên một với Đấng Phục Sinh ngang qua kinh nghiệm lắng nghe Lời Chúa trong cầu nguyện và nhận ra Ngài hiện diện nơi các Bí Tích, nhất là Bí Tích Thánh thể, và cả trong đời thường nữa với những hoàn cảnh và biến cố xẩy ra trong cuộc đời và ơn gọi của chúng ta ; như thánh Gioan kết luận sách Tin Mừng của Ngài :

Còn những điều đã được chép ở đây là để anh em tin rằng Đức Giê-su là Đấng Ki-tô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sự sống nhờ danh Người. (c. 31)


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này