Đời Sống Ẩn Dật Của Chúa Giêsu
Thứ 7, 30.05.2020
(Ga 21, 20-25)Ông Phê-rô quay lại, thì thấy người môn đệ Đức Giê-su thương mến đi theo sau; ông này là người đã nghiêng mình vào ngực Đức Giê-su trong bữa ăn tối và hỏi: “Thưa Thầy, ai là kẻ nộp Thầy?” Vậy khi thấy người đó, ông Phê-rô nói với Đức Giê-su: “Thưa Thầy, còn anh này thì sao?” Đức Giê-su đáp: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh? Phần anh, hãy theo Thầy.” Do đó, mới có tiếng đồn giữa anh em là môn đệ ấy sẽ không chết. Nhưng Đức Giê-su đã không nói với ông Phê-rô là: “Anh ấy sẽ không chết”, mà chỉ nói: “Giả như Thầy muốn anh ấy còn ở lại cho tới khi Thầy đến, thì việc gì đến anh?”
Chính môn đệ này làm chứng về những điều đó và đã viết ra. Chúng tôi biết rằng lời chứng của người ấy là xác thực. Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.
SUY NIỆM
“Còn có nhiều điều khác Đức Giê-su đã làm. Nếu viết lại từng điều một, thì tôi thiết nghĩ: cả thế giới cũng không đủ chỗ chứa các sách viết ra.” (Ga 21, 25)
Đây là câu cuối cùng trong Tin mừng của thánh Gioan và cũng là câu Tin Mừng mà chúng ta không thường nghe lắm. Nhưng nó lại mang đến cho chúng ta một vài hiểu biết đáng giá. Lời cuối sách này của thánh Gioan cho chúng ta thấy rằng Chúa Giêsu đã làm rất nhiều điều, đến độ cả thế giới cũng không đủ chỗ để chứa các tài liệu chép lại!
Từ đây, điều đầu tiên mà chúng ta có thể nhận ra, ấy là chúng ta chỉ có thể biết được một phần nhỏ trong cuộc sống trần thế của Chúa Giêsu mà thôi. Ý thức được điều đó, chúng ta cần để bản thân mình khao khát và ước ao muốn được hiểu biết về Ngài nhiều hơn và hơn nữa. Bởi lẽ, nếu chúng ta thật sự nhận ra sự nông cạn trong hiểu biết của ta về Chúa Giêsu, có lẽ chúng ta sẽ cố gắng dành thời gian để tìm kiếm Ngài nhiều hơn.
Điều thứ hai mà chúng ta có thể rút ra đó là: mặc dù rất nhiều sự kiện trong cuộc đời của Chúa Giêsu không thể viết lại hết được, tuy nhiên, chúng ta lại có thể khám phá về Ngài từ trong Kinh Thánh. Thánh Giêrônimô đã khẳng định rằng: “Không biết Kinh Thánh là không biết Đức Ki-tô”. Đúng vậy, chúng ta có thể không biết mọi chi tiết về cuộc đời của Ngài, nhưng chúng ta có thể đến để gặp gỡ Ngài, để nghe Lời hằng sống của chính Thiên Chúa trong Kinh thánh, và qua cuộc gặp gỡ đó, chúng ta sẽ được Ngài ban cho tất cả những gì mà chúng ta cần. Nếu bạn cho rằng các bài Tin Mừng bạn nghe đi nghe lại bao năm đã chẳng còn điều gì mới mẻ, hoặc đã đủ cho bạn rồi, thì xin bạn hãy nhớ một điều: Kinh Thánh là cuốn sách được ghi lại bởi phàm nhân, nhưng những gì được viết trong ấy lại chẳng phải bởi người phàm! Thánh Augustino đã bộc bạch trong cuốn “Tự Thú” của ngài như sau: “Tôi đâu có biết Thánh Kinh không tỏ lộ mầu nhiệm cho những con mắt kiêu ngạo. Sự kiêu căng của tôi từ chối hạ mình. Tôi không nghĩ rằng Kinh Thánh lớn lên với trẻ nhỏ từng bước, và tiến lên theo từng giai đoạn. Chân lý đơn giản cho người đơn sơ, chân lý sâu xa cho người trưởng thành. Tôi chắc chắn mình đã trưởng thành nên tôi đã mất mát.” Có phải bạn cũng nên nhìn lại thái độ và con tim khi lắng nghe Tin Mừng của bạn không?
Phản tỉnh: hãy suy ngẫm mức độ hiểu biết của mình về Đức Giêsu. Bạn hãy tự mình trả lời những câu hỏi này: Bạn có dành đủ thời gian để đọc Kinh Thánh và suy niệm về Kinh Thánh không? Bạn có nói chuyện với Chúa hàng ngày và tìm cách để biết và yêu mến Ngài hơn không? Bạn có để Ngài hiện diện trong cuộc sống của mình không? Và liệu bạn có thường xuyên chạy đến cùng Ngài không? Nếu câu trả lời của bạn là “Không” cho bất kì câu hỏi nào trong số đó, thì có lẽ hôm nay chính là lúc để bạn phản tỉnh, tìm cách để đọc và hiểu sâu hơn về Lời Thánh Thiêng của Thiên Chúa qua những bài Tin Mừng.
Lạy Chúa, con có thể không hiểu hết mọi thứ về cuộc đời của Ngài, nhưng con khao khát được biết Ngài. Con mong muốn được gặp Ngài mỗi ngày, để biết và yêu Ngài nhiều hơn. Xin hãy giúp con đào sâu sự hiểu biết và mối tương quan của con với Ngài. Lạy Thiên Chúa Toàn Năng, con tín thác vào Chúa. Amen
Nhận xét
Đăng nhận xét