Thứ tư, sau Chúa Nhật IV Phục Sinh

“Tôi là ánh sáng đến thế gian,
để bất cứ ai tin vào tôi,
thì không ở lại trong bóng tối
(Ga 12, 44-50)
44 Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi;45 ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi.46 Tôi là ánh sáng đến thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi, thì không ở lại trong bóng tối.
47 Ai nghe những lời tôi nói mà không tuân giữ, thì không phải chính tôi xét xử người ấy, vì tôi đến không phải để xét xử thế gian, nhưng để cứu thế gian.48 Ai từ chối tôi và không đón nhận lời tôi, thì có quan toà xét xử người ấy: chính lời tôi đã nói sẽ xét xử người ấy trong ngày sau hết.
49 Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì.50 Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. Vậy, những gì tôi nói, thì tôi nói đúng như Chúa Cha đã nói với tôi.”
1. “Ngài lớn tiếng nói…”
Lời của Đức Giê-su, mà chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, là phần kết thúc của cả một cuộc tranh luận dài với người Do-thái; cuộc tranh luận đạt tới đỉnh cao, khi Đức Giê-su bày tỏ tương quan đồng nhất giữa Ngài và Chúa Cha: “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30; là cầu cuối của bài Tin Mừng hôm qua). Trước đó, Ngài bày tỏ mình là “Bánh Hằng Sống” (x. Ga 6); và tiếp theo, Ngài mặc khải: “Tôi là Mục Tử Nhân Lành” (x. Ga 10, 1-18). Đó là những lời sâu kín nhất và cao trọng nhất Ngài muốn nói với người Do-thái và qua họ, với mọi người chúng ta thuộc mọi thời. Vì thế, Tin Mừng theo thánh Gioan nhấn mạnh: “Ngài lớn tiếng nói…”
Như thế, Đức Giê-su dùng chính những vấn nạn và thái độ từ chối của người Do-thái, để bày tỏ căn tính thần linh của Ngài trong tương quan với Thiên Chúa và con người. Tương tự như trong lịch sử cứu độ hướng tới và được hoàn tất bởi mầu nhiệm Vượt Qua: Thiên Chúa dùng chính những biến cố thăng trầm, tai họa, tội lỗi và cả sự dữ để mở đường cho loài người chúng ta đi vào cõi sống; và Thiên Chúa cũng hành động như thế, trong lịch sử cuộc đời chúng ta, như lời nguyện Thánh Vịnh diễn tả:
Đường của Chúa băng qua biển rộng,
lối của Ngài rẽ nước mênh mông,
mà chẳng ai nhận thấy vết chân Ngài. 
(Tv 77, 20)
2. “Ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi”
Trong bài Tin Mừng chúng ta vừa nghe, Đức Giê-su muốn nhấn mạnh một lần nữa tương quan đồng nhất giữa Ngài và Thiên Chúa Cha:
Đức Giê-su lớn tiếng nói rằng: “Ai tin vào tôi, thì không phải là tin vào tôi, nhưng là tin vào Đấng đã sai tôi; ai thấy tôi là thấy Đấng đã sai tôi”. (c. 44-45)
Thật vậy, không phải tôi tự mình nói ra, nhưng là chính Chúa Cha, Đấng đã sai tôi, truyền lệnh cho tôi phải nói gì, tuyên bố gì. Và tôi biết: mệnh lệnh của Người là sự sống đời đời. (c. 49)
Trước đó, Ngài tuyên bố : “Tôi và Chúa Cha là một” (Ga 10, 30). Vì thế, Ngài nói điều Ngài nghe được từ Chúa Cha; và lời của Chúa Cha là sự sống đời đời. Thực vậy, nếu Thiên Chúa là sự sống, thì Ngài muốn thông truyền cho chúng ta điều gì, nếu không phải là sự sống đời đời.
Chúng ta hãy chiêm ngắm sự hiệp thông sự sống trọn vẹn giữa Đức Giê-su và Chúa Cha; và điều làm chúng ta được an ủi, đó là và sự hiệp thông này không phải là một thông đóng kín giữa hai ngôi vị, như chúng ta vẫn thường thấy hay phần nào có kinh nghiệm sống, nhưng là một hiệp thông mở: Đức Giê-su muốn thông truyền hết cho chúng ta những gì ngài nhận từ Chúa Cha : « Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào, Thầy cũng yêu mến anh em như vậy » (Ga 15, 9) ; « Thiên Chúa của Thầy cũng là Thiên Chúa của anh em, Cha của Thầy cũng là Cha của anh em » (Ga 20, 17).
2. Tôi là ánh sáng đến thế gian
Người Do Thái và con người thời nay nữa, đặc biệt dị ứng với tương quan đồng nhất giữa Đức Giê-su và Thiên Chúa. Chính vì thế, những lời này của Ngài gây ra những phản ứng triệt để nhất và bạo lực nhất: trước đó, một số môn đệ đã bỏ Ngài ra đi (x. 6, 66); còn ở đây: “Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su”! (Ga 10, 31-33).
Phản ứng bạo lực này đã loan báo cuộc Thương Khó của Đức Giê-su rồi; thật vậy, trong cuộc xét cử của Thượng Hội Đồng Do Thái, chính khi Ngài nói điều Ngài là trong sự thật, thì người ta lên án tử Đức Giê-su:
“Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa? Đấy, quý vị vừa nghe hắn nói phạm đến Thiên Chúa, quý vị nghĩ sao?” Họ liền đáp: “Hắn đáng chết!” (Mt 26, 65-66)
Về tương quan duy nhất này với Thiên Chúa, Đức Giê-su không tìm cách chứng minh, chẳng hạn bằng những phép lạ cả thể, như những điềm thiêng từ trời hay xuống khỏi Thập Giá trước mặt mọi người. Ngài chỉ nói điều Ngài là mà thôi, trong tương quan với Chúa Cha. Bởi vì chân lí về ngôi vị không có bằng chứng nào khác ngoài chính mình. Tương tự như, để biết trái soài thơm ngon, chúng ta không có cách nào khác, và không có gì có thể thay thế được, là phải có kinh nghiệm cảm nếm đích thân !
Vì thế, để nhận ra những gì Ngài nói có phải là sự thật hay không, chúng ta được mời gọi đến với Ngài, ở lại và học với Ngài (x. Ga 15 ; Mt 11, 28-30), cảm nếm ngôi vị của Ngài, lời nói của Ngài, con tim của Ngài, nhất là để có kinh nghiệm này : đến với Ngài, chúng ta sẽ ở trong ánh sáng, ở trong sự sống ; và ngoài Ngài ra, chỉ là bóng tối và sự chết, là chúng ta xét xử và lên án chính mình. Thật vậy, Ngài nói :
Tôi là ánh sáng thế gian, để bất cứ ai tin vào tôi,
thì không ở lại trong bóng tối. 
(c. 46)
Khi chúng ta đón nhận ánh sáng, thì bóng tối sẽ tự tan biến một cách không thể cưỡng lại được, vì không có nguồn phát ra bóng tối. Vì thế, không phải chính Đức Giê-su xét xử, vì bản tính của Ngài là ánh sáng, là sự sống, là tình yêu; Ngài không thể xét xử rồi lên án chết chúng ta, vì điều này trái với bản tính tình yêu của Ngài.
Nhưng lời của Ngài, vốn là sự thật, là ánh sáng và là sự sống, sẽ phân rẽ một cách tự nhiên và tất yếu gian dối, bóng tối và sự chết có nơi con người và phân rẽ một cách tất yếu những con người tự do lựa chọn gian dối, bóng tối và sự chết. Đây không phải là “xét xử” theo nghĩa toà án, vì có gì đâu mà xét xử: ánh sáng đi đến đâu, bóng tối lui đến đó, làm sao “tóm bắt” bóng tối để xét xử được! Chính vì thế, thánh Phao-lô nói :
Vậy giờ đây, những ai ở trong Đức Ki-tô Giê-su,
thì không còn bị lên án nữa. 
(Rm 8, 1)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này