Thứ sáu, sau Chúa Nhật III Phục Sinh
“Tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào,
thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi
mà được sống như vậy”
thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi
mà được sống như vậy”
(Ga 6, 52-59)
52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? “
53 Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình.54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết,55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống.56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy. 57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy.
58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”
59 Đó là những điều Đức Giê-su đã nói khi giảng dạy trong hội đường, ở Ca-phác-na-um.
Đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an khá dài về bánh hằng sống, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe lại từ ngày thứ ba trong Thánh Lễ, mở đầu và kết thúc với ơn huệ man-na:
Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: “Người đã cho họ ăn bánh bởi trời”. (c. 31)
Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh (man-na) tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. (c. 58)
Ngang qua ơn huệ lương thực Chúa ban cho chúng ta hàng ngày, như xưa kia Người ban “bánh man-na” cho Dân Do-thái trong sa mạc, xin Đức Ki-tô Phục Sinh khơi dậy lòng khát khao lương thực mang lại sự sống đời đời nơi tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể bình tâm với mọi đối tượng liên quan đến nhu cầu; và xin Chúa cũng cho chúng ta cảm nhận được sự sống mới và muôn đời ngay trong sự sống chóng qua này chúng ta, khi “ăn” bánh từ trời xuống, là chính Đức Giê-su Thánh Thể.
- “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?”
Lời của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống đạt tới cực điểm ở đây. Cực điểm của những gì cao quí nhất và thâm sâu nhất Đức Giê-su muốn nói và muốn trao ban cho chúng ta:
Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi, thì được sống muôn đời,
và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (c. 54)
và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết. (c. 54)
Ngoài ra, cực điểm còn là khó khăn mà người nghe Đức Giêsu gặp phải: “Người Do Thái tranh luận sôi nổi với nhau”, hay đúng hơn, “họ tranh luận dữ dội với nhau”. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được?” Giống như hai vấn nạn trước (c. 30-31 và 41-42), vấn nạn này cũng đòi hỏi những bằng chứng hiển nhiên (khách quan, bên ngoài), thể lý và hữu hình, nghĩa là thuộc bình diện của “nhu cầu”: trước đó là đòi nhìn dấu lạ và biết rõ nguồn gốc, còn bây giờ là đói ăn Chúa như “ăn đồ ăn”! Những vấn nạn này luôn tồn tại trong lịch sử và ngày nay vẫn còn rất thời sự.
Và trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ ngày mai, chúng ta sẽ thấy rằng, lời của Đức Giêsu còn gây khó khăn cho cả các môn đệ nữa. Thật vậy, họ sẽ phản ứng: “Lời này chướng tai quá, sao mà nghe nổi?” Và từ lúc đó, nhiều môn đệ rút lui, không đi theo Người nữa. Có lẽ chúng ta chỉ cầu nguyện được với đoạn Tin Mừng này, nếu chúng ta ở mức độ nào đó, nhận những vấn nạn làm của mình, hay đó cũng là những vấn nạn của chính chúng ta. Chúng ta rước Mình và Máu Đức Giêsu hằng ngày, nhưng chắc chắn cũng có nhiều lúc chúng ta gặp khó khăn liên quan đến đức tin, làm cho chúng ta áy náy không cùng: cố tin, nhưng không xong, mà không tin cũng không được.
Lời Chúa trong bài Tin Mừng hôm nay gây khó khăn, nhưng đồng thời cũng mở ra chúng ta con đường phải đi để vượt qua khó khăn. Đó là ơn huệ có được kinh nghiệm thiêng liêng và thiết thân: sự sống đích thực mỗi ngày của chúng ta được nuôi dưỡng bằng Bánh Hằng Sống, là Đức Ki-tô, được “sống nhờ” Người, như Người “sống nhờ” Chúa Cha, chứ không phải là không phải là thấy, biết, hay ăn uống Đức Ki-tô một cách vật chất.
2. “Ai ăn thịt tôi và uống máu tôi”
Để hiểu lời nói quá cụ thể và quá “mạnh” này của Đức Giê-su: “ăn thịt tôi và uống máu tôi”, mạnh đến độ một số các môn đệ đã từng tin và đi theo Người phải thốt lên: “Lời này chướng tai quá! Ai mà nghe nổi?”, chúng ta hãy trở lại với những cách nói khác của chính Đức Giê-su: “tin” (c. 40), “ăn uống” (c. 51), “ở lại” và “sống nhờ” (c. 56-57). Đó là những hành vi tương đương và soi sáng cho nhau, bởi vì có cùng hiệu quả là sự sống đời đời.
Con người ở mọi thời và ở khắp nơi luôn đi tìm quả trường sinh hay một thứ thần dược trường sinh. Đó là vấn đề trái cây sự sống trong vườn Eden: ông bà Adam va Evà đã hái và ăn trái cấm, vì tin rằng trái này sẽ làm cho mình trở nên thần linh vừa bất tử vừa biết hết mọi sự. Nhưng để sống đời đời, Đức Giêsu mời gọi chúng ta ăn và uống chính thịt và máu của Ngài. Điều này có nghĩa là chúng ta được mời gọi “ăn” và “uống” không phải một sự vật, chẳng hạn “trái cây ở giữa vườn” như Ma Quỉ gợi ý (x. St 3, 1-7), một thức ăn hay một thức uống. Đức Giêsu mời gọi chúng ta “ăn uống thịt máu” của bản thân Ngài, mà bản thân Ngài, giống như chúng ta, là một ngôi vị sống động, chứ không phải là món ăn. Như thế, bánh hay của ăn trường sinh, không phải là một vật thể ăn được, có phép nhiệm mầu biến đổi con người thành bất tử, nhưng là ngôi vị Đức Giêsu mà chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, để ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta, như thánh Phao-lô nói: “Không còn là tôi sống, nhưng Đức Ki-tô sống trong tôi” (Gal 2, 20).
Như thế, Bánh Hằng sống không phải chỉ là một sự vật, đối tượng của ngũ quan thể lí, nhưng còn là và nhất là ngôi vị Đức Giê-su mà chúng ta được mời gọi cảm nếm, để cho Ngài đụng chạm ở chốn sâu thẳm nhất, đi đến với Ngài và tin vào Ngài, để ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta. Giống như khi chúng ta đến dùng bữa do người thân hay người bạn thiết đãi. Ngang của ăn và của uống mà người kia chuẩn bị và dọn ra mời chúng ta; khi ăn và uống, chúng ta được mời gọi “ăn uống” một của ăn khác, là tình thương, tình bạn và tình yêu của người kia.
Thiên Chúa ban lệnh cấm trong vườn Eden, để nói với con người rằng thiên tính không phải là một sự vật để ham muốn, để chiếm lấy và ăn ngấu nghiến, nhưng là một ngôi vị, là chính Thiên Chúa mà chúng ta được mời gọi đặt hết niềm tin và đi vào tương quan thiết thân. Qua hành vi “ăn”và “uống” Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, nghĩa là đón nhận Ngài vào trong cuộc đời, để Ngài trở thành xương thịt, thành sự sống cho chúng ta. Chúa ước ao trở thành lương thực cho chúng ta, nghĩa là muốn trao ban tất cả những gì mình có và mình là cho chúng ta, Chúa ước ao trở nên một với chúng ta. Giống như tấm bánh hay chén cơm hằng ngày: được chúng ta đón nhận như ân huệ, được ăn, được nghiền nát, được hòa tan để trở thành sự sống cho chúng ta. Đức Kitô ước ao như thế và Ngài thực hiện ước ao của mình một cách thực sự nơi bí tích Thánh Thể. Ước gì Đức Kitô, bánh Trường Sinh, làm thỏa mãn mọi cơn “đói khát” của chúng ta; và ước gì khi cảm nếm được Ngài, chúng ta không còn “thèm ăn, thèm uống” bất cứ điều gì nữa trên đời này.
Ngoài ra, khi mời gọi chúng ta “ăn thịt và uống máu của Ngài”, lời của Đức Giê-su mời gọi chúng ta hướng đến mầu nhiệm Vượt Qua của Người. Thật vậy, “ăn thịt và uống máu của Ngài”, điều này loan báo và giả định Ngài phải chết, và thực sự Ngài đã chết. Vì thế, “ăn thịt và uống máu của Ngài”, khi chúng ta cử hành Thánh Lễ, có nghĩa là mở lòng ra, mở từng ngày sống ra và mở cuộc đời của chúng ta ra, để đón nhận ơn tái sinh mà Ngài thông truyền cho chúng ta từ mầu nhiệm Thập Giá và Phục Sinh. Và đó chính là con đường dẫn chúng ta đến sự sống đời đời, để chúng ta ở lại trong Ngài và Ngài ở lại trong chúng ta, và để chúng ta sống nhờ Ngài.
3. Đức Giê-su “sống nhờ” Chúa Cha
Và để giúp chúng ta hiểu “ăn thịt và uống máu Người” có nghĩa là gì, Đức Giê-su mời gọi chúng ta chiêm ngắm tương quan thiết thân của Người với Chúa Cha:
Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (c. 57)
Ăn uống lương thực nào, thì chúng ta sẽ sống nhờ lương thực đó; hay nói ngược lại, chúng ta sống nhờ lượng thực nào, thì có nghĩa là chúng ta “ăn uống” lương thực đó. Vì thế, Đức Giê-su cũng “ăn uống” Chúa Cha, trong mức độ Người sống nhờ Chúa Cha. Vậy chúng hãy chiêm ngắm cuộc đời của Người, từ lúc sinh ra cho đến lúc Người chết và phục sinh, để nhận ra Người “sống nhờ” Chúa Cha như thế nào.
Cách Đức Giê-su sống nhờ Chúa Cha, nghĩa là đón nhận và sống sự sống của mình không phải từ chính mình, nhưng từ tình yêu và ý muốn của Chúa Cha, với tư cách là người Con Thảo, đó là khuôn mẫu của cách chúng ta đón nhận ơn huệ “sống nhờ” Người, với Người và trong Người, ngang qua Bí Tích Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua. Nhưng cách Người sống nhờ Chúa Cha không chỉ là khuôn mẫu, nhưng còn nguồn sống của chúng ta, như Người nói:
Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào,
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. (Ga 15, 9)
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. (Ga 15, 9)
Tình thương được thông truyền và thông truyền cách trọn vẹn: “thế nào… như vậy”, vì đó là bản chất của tình thương, từ Cha sang Con và từ Con sang anh em của Con. Chúng hãy xin được hiểu và cảm nếm tình yêu Đức Giê-su dành cho chúng ta, vì đó cũng chính là tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho Đức Giê-su: vừa thiết thân và gần gũi, nhưng cũng vừa lạ lùng và khôn dò như tấm Bánh Hằng Sống.
Nhận xét
Đăng nhận xét