Thứ ba, sau Lễ Chúa Thăng Thiên
« Vinh Danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh Danh Thánh Thần Thiên Chúa »
(Ga 17, 1-11)
(Ga 17, 1-11)
1 Nói thế xong, Đức Giê-su ngước mắt lên trời và cầu nguyện: “Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha.2 Thật vậy, Cha đã ban cho Người quyền trên mọi phàm nhân là để Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người.3 Mà sự sống đời đời đó là họ nhận biết Cha, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, và nhận biết Đấng Cha đã sai đến, là Giê-su Ki-tô.
4 Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm.5 Vậy, lạy Cha, giờ đây, xin Cha tôn vinh con bên Cha: xin ban cho con vinh quang mà con vẫn được hưởng bên Cha trước khi có thế gian.6 Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha. Họ thuộc về Cha, Cha đã ban họ cho con, và họ đã tuân giữ lời Cha.7 Giờ đây, họ biết rằng tất cả những gì Cha ban cho con đều do bởi Cha,8 vì con đã ban cho họ lời mà Cha đã ban cho con; họ đã nhận những lời ấy, họ biết thật rằng con đã từ Cha mà đến, và họ đã tin là Cha đã sai con.
9 Con cầu nguyện cho họ. Con không cầu nguyện cho thế gian, nhưng cho những kẻ Cha đã ban cho con, bởi vì họ thuộc về Cha.10 Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con; và con được tôn vinh nơi họ.11 Con không còn ở trong thế gian nữa, nhưng họ, họ ở trong thế gian; phần con, con đến cùng Cha.
1. Lời nguyện của Đức Giê-su
Các Tin Mừng Nhất Lãm, nghĩa là các Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, thánh Mác-cô và thánh Lu-ca, hay nói về sự kiện Đức Giê-su cầu nguyện và có nhiều lúc Ngài cầu nguyện suốt đêm. Nhưng các Tin Mừng này không bao giờ kể cho chúng ta biết nội dung lời nguyện của Đức Giê-su: Ngài đã nói gì với Thiên Chúa Cha và Ngài nói như thế nào ? Ngài nói với Thiên Chúa về những ai và với tâm tình nào ?
Chúng ta hãy khao khát được hiểu biết sâu xa lời nguyện của Đức Giê-su, bởi vì, nếu hành động và lời nói công khai của Ngài mặc khải cho chúng ta về ngôi vị của Ngài, về tương quan của Ngài với Thiên Chúa và với con người, thì chắc chắn, lời nguyện của Ngài còn nói cho chúng ta nhiều hơn nữa. Cũng giống như lời nguyện riêng tư của mỗi người chúng ta diễn tả con người thật của chúng ta ở chiều sâu, với Chúa và với nhau.
Vậy chúng ta hãy ra khỏi mình, ra khòi những bận tâm, những khó khăn, những yếu đuối và giới hạn của chúng ta để đi vào chốn riêng tư của lời nguyện Đức Giê-su ngỏ với Thiên Chúa Cha. Bởi vì, chúng ta sẽ không chỉ hiểu biết Ngài sâu xa hơn (như thánh I-nhã mời gọi chúng ta xin với Chúa trong Linh Thao), nhưng còn học được cách thức Ngài cầu nguyện với Thiên Chúa, và ngang qua cầu nguyện, học được cách Ngài sống với Thiên Chúa Cha.
Chính vì thế, chương 17 của Tin Mừng theo thánh Gioan, mà Giáo Hội cho chúng ta nghe hôm nay và những ngày sớm tới, là quà tặng tuyệt vời mà Chúa Thánh Thần ban cho chúng ta, để dẫn chúng ta vào mầu nhiệm cầu nguyện của Đức Giê-su, là phần không thể thiếu của « Sự Thật toàn vẹn ».
2. « Mầu nhiệm tôn vinh » giữa Đức Giê-su và Thiên Chúa Cha
Lời nguyện của Đức Giê-su được đánh dấu từ đầu đến cuối bởi điều, chúng ta có thể gọi là « mầu nhiệm tôn vinh » giữa Chúa Cha và Đức Giê-su :
– « Lạy Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha » (c. 1).
– « Phần con, con đã tôn vinh Cha ở dưới đất » (c. 4).
– « Xin Cha tôn vinh con bên Cha » (c. 5).
Chúng ta được mời gọi lắng nghe lời nguyện của Đức Giê-su để hiểu và học cách Ngài tôn vinh Thiên Chúa Cha. Bởi vì ơn gọi tận cùng của chúng ta cũng là ơn gọi tôn vinh Thiên Chúa, như chúng ta vẫn đọc vang nhiều lần trong ngày : « Vinh danh Chúa Cha và Chúa Con, cùng vinh danh Thánh Thần Thiên Chúa… ». Cách mà loài người chúng ta tôn vinh thường hay sáo rỗng, hào nhoáng và vị lợi. Vì thế, cách Đức Giê-su tôn vinh Thiên Chúa Cha chúng ta tôn vinh Thiên Chúa cũng phải là cách của chúng ta.
– Đức Giê-su tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng cách thực hiện ý muốn của Người : « Con đã tôn vinh Cha ở dưới đất, khi hoàn tất công trình Cha đã giao cho con làm ».
– Đức Giê-su tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng cách mặc khải Danh của Thiên Chúa cha cho các môn đệ của Ngài : « Những kẻ Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho con, con đã cho họ biết danh Cha ».
– Đức Giê-su tôn vinh Thiên Chúa Cha bằng cách nhận ra ngôi vị của mình thuộc về Chúa Cha cách trọn vẹn, như Ngài thưa với Cha : « Tất cả những gì của con đều là của Cha, tất cả những gì của Cha đều là của con »1 .
Thực hiện ý muốn của nhau, nói tốt về nhau cho người khác và trao ban trọn vẹn cho nhau, đó chính là tương quan hiệp nhất của tình yêu. Bởi vì Thiên Chúa là tình yêu. Tình yêu này được diễn tả cách trọn vẹn và tuyệt đối nơi tương quan giữa Thiên Chúa và Đức Ki-tô, Con duy nhất của Người. Mầu nhiệm « tôn vinh nhau » của Chúa Cha và Chúa Con, chính là mầu nhiệm tình yêu.
3. Các môn đệ hiện diện trong tương quan giữa Chúa Cha và Chúa Con.
Thế mà, tình yêu thì không thể đóng kín được. Nhưng, tự bản chất, tình yêu mở ra và luôn mở ra hơn mãi. Chính vì thế, ngay trong lòng mối tương quan tình yêu thiết thân giữa Chúa Cha và Chúa Con, có sự hiện diện của các môn đệ, của tất cả những người Thiên Chúa Cha đã chọn từ giữa thế gian mà ban cho Chúa Con (x. c. 6). Như thế, có chúng ta hôm nay nữa.
Nghe những lời Đức Giêsu nói với Cha, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra rằng, các môn đệ có một vị trí trung tâm trong tương quan Cha-Con :
– Các môn đệ là quà tặng mà Chúa Cha ban cho Đức Giêsu (c. 2.6.9).
– Đức Giê-su đón nhận quà tặng này với lòng biết ơn và trách nhiệm : mặc khải danh Cha cho các môn đệ và truyền đạt Lời của Người cho họ.
– Và Đức Giê-su yêu thương các môn đệ đến cùng : « Người ban sự sống đời đời cho tất cả những ai Cha đã ban cho Người », bằng hành vi rửa chân, bằng bí tích Thánh Thể, bằng cuộc Thương Khó, bằng « máu và nước » đổ ra từ con tim của Ngài, bằng chính sự sống của Ngài.
Lắng nghe lời nguyện của Đức Giê-su, chúng ta khám ra rằng, tình yêu đến cùng của Đức Giêsu dành cho chúng ta bắt nguồn từ tình yêu đến cùng của Thiên Chúa dành cho chúng ta. Xin cho chúng ta xác tín về tình yêu Thiên Chúa dành cho cho chúng ta, như thánh Phaolo nói: “Không có gì tách chúng ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa được thể hiện nơi Đức Ki-tô, Chúa chúng ta” (Rm 8, 39).
Chính tình yêu này bao dung, gìn giữ và nuôi dưỡng chúng ta, chứ không phải nỗ lực xây dựng cho mình sự công chính, sự xứng đáng hay bất cứ điều gì khác ; và cũng chính tình yêu này mời gọi chúng ta đáp trả cách tương xứng : « Chúa đã ban cho con tất cả, con xin dâng lại Chúa tất cả ». Đó chính là tình yêu, vì tất cả bẳng tất cả.
Nhận xét
Đăng nhận xét