Thứ năm, sau Lễ Chúa Thăng Thiên
« Để tất cả nên một, như Cha ở trong Con và Con ở trong Cha »
(Ga 17, 20-26)
(Ga 17, 20-26)
20 Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con,21 để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta. Như vậy, thế gian sẽ tin rằng Cha đã sai con.22 Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một:23 Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một; như vậy, thế gian sẽ nhận biết là chính Cha đã sai con và đã yêu thương họ như đã yêu thương con.
24 Lạy Cha, con muốn rằng con ở đâu, thì những người Cha đã ban cho con cũng ở đó với con, để họ chiêm ngưỡng vinh quang của con, vinh quang mà Cha đã ban cho con, vì Cha đã yêu thương con trước khi thế gian được tạo thành.
25 Lạy Cha là Đấng công chính, thế gian đã không biết Cha, nhưng con, con đã biết Cha, và những người này đã biết là chính Cha đã sai con.26 Con đã cho họ biết danh Cha, và sẽ còn cho họ biết nữa, để tình Cha đã yêu thương con, ở trong họ, và con cũng ở trong họ nữa.”
Chúng ta đang ở trong thời gian giữa Lễ Thăng Thiên và Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống. Đó là một thời gian ngắn ngủi, nhưng Đức Giê-su, trong Tin Mừng theo thánh Gioan, nói nhiều về thời gian này ; và qua những lời này, Ngài mặc khải, đặc biệt trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, cho chúng ta những chân lí chưa từng được nghe, liên quan đến tương quan giữa Ngài và Thiên Chúa Cha, và liên quan đến chúng ta nữa, nhất là sự hiện diện của chúng ta trong sự hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa Con.
1. Hiện diện
Khi Đức Giê-su nói với Chúa Cha về các môn đệ của Ngài, Ngài đã biết đến chúng ta hôm nay và cầu nguyện cho chúng ta :
Con không chỉ cầu nguyện cho những người này,
nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con. (c. 20)
nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con. (c. 20)
Xin cho chúng ta cảm thấy mình thực sự hiện diện ở trong lời nguyện của Đức Giê-su, và đón nhận sự hiện diện này như một ân huệ nhưng không tuyệt đối, làm biến đổi con tim chúng ta, cuộc đời chúng ta một cách tận căn.
Bởi vì, chúng ta chưa có mặt trên đời, chưa trở thành môn đệ của Đức Giê-su, nhưng chúng ta đã được nói tới rồi, đã được ước ao và đã được chọn rồi ; hơn nữa đã hiện diện trong tương quan thiết thân, tình yêu và hiệp nhất giữa Chúa Cha và Chúa con.
2. Nên một
Điều mà Đức Giê-su ước ao và tha thiết cầu xin với Chúa Cha, đó là tất cả chúng ta trở nên một, như Ngài và Chúa Cha là một. Thật vậy, trong một đoạn thật ngắn, Ngài nói tới ba lần về sự hiệp nhất giữa chúng ta với nhau :
Con không chỉ cầu nguyện cho những người này, nhưng còn cho những ai nhờ lời họ mà tin vào con, để tất cả nên một, như Cha ở trong con và con ở trong Cha để họ cũng ở trong chúng ta.
Phần con, con đã ban cho họ vinh quang mà Cha đã ban cho con, để họ được nên một như chúng ta là một.
Con ở trong họ và Cha ở trong con, để họ được hoàn toàn nên một. (c. 20-23)
Theo trình thuật Sáng Tạo Bảy Ngày (x. St 1), « Con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa », có nghĩa là con người được dựng nên là một, giống như Thiên Chúa, vốn tự yếu tính, là một. Thế mà, yếu tính chỉ có thể được thông truyền từ cha sang con. Do đó, con người có một tương quan duy nhất với Thiên Chúa, đó là tương quan cha-con, giống như Tin Mừng theo thánh Luca nói: “Adam là con Thiên Chúa”; và như thế tất cả chúng ta là anh chị em, chứ không phải là những loại hay những loài khác nhau.
Mặc khải của Lời Chúa về sự hiệp nhất, vốn là ơn huệ Thiên Chúa ban cho con người, có tầm quan trọng quyết định cho nỗ lực của chúng ta sống hiệp nhất, bởi vì hiệp nhất không phải là một lí tưởng ở trên cao hay ở bên ngoài chúng ta ; và để sống hiệp nhất, chúng ta không thể dựa vào bất cứ điều gì khác ngoài sự thật này: chúng ta được dựng nên là một, giống như Thiên Chúa là một. Và cũng giống như hạt giống đã được Thiên Chúa gieo trồng cách quảng đại và nhưng không, mỗi người chúng ta cũng được mời gọi vun trồng cho hạt giống ơn huệ hiệp nhất được nẩy mầm, lớn lên và sinh hoa kết quả gấp trăm. Vì thế, ơn huệ hiệp nhất cũng đồng thời là một ơn gọi trở nên hiệp nhất.
3. Sứ mạng của Đức Ki-tô
Nhưng ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm về những khó khăn và trở ngại đủ loại, bên trong cũng như bên ngoài, trong những nỗ lực hằng ngày để trở nên hiệp nhất. Loài người chúng ta, bị chi phối bởi ma quỉ, kẻ chuyên môn gây chia rẽ, luôn có khuynh hướng nghi ngờ, ghen tị, chia rẽ, thậm chí loại trừ nhau, ngay trong lòng, ở mọi cấp độ tương quan : giữa các quốc gia, giữa các tôn giáo, giữa các nhóm, giữa các cá nhân. Sứ mạng của Đức Ki-tô là làm cho chúng ta trở nên một ; và Ngài đã làm tất cả những gì có thể làm để thực hiện sứ mạng này :
– Để cho chúng ta trở nên một, Ngài cầu nguyện cho chúng ta và hơn nữa luôn ban cho chúng ta vinh quang mà Chúa Cha đã ban cho Ngài. Vinh quang ở đây không là gì khác hơn là phẩm giá làm con Thiên Chúa, với ơn huệ sự sống và tình yêu viên mãn.
– Để cho chúng ta trở nên một, Ngài yêu thương chúng ta đến cùng bằng cách trở nên một với chúng ta trước trong hành vi rửa chân, bí tích Thánh Thể và mầu nhiệm Thập Giá, để Ngài ở đâu, chúng ta cũng ở đó với Ngài.
– Và để cho chúng ta trở nên một, Ngài mặc khải Danh Chúa Cha cho chúng ta, và chia sẻ Cha của Ngài cho chúng ta : « Cha của Thầy cũng là Cha của anh em », để tình Cha đã yêu thương Ngài ở trong chúng ta, và Ngài cũng ở trong chúng ta.
Và sau cùng Ngài về với Chúa Cha, chính là để sai Thánh Thần đến hoạt động trong chúng ta và ở giữa chúng ta, nhằm nối kết chúng ta nên một bằng Lời nói, tình yêu, sự sống và sự thật của Đức Ki-tô, Đấng đón nhận tất cả từ Chúa Cha.
Trong những ngày chuẩn bị mừng Lễ Chúa Thánh Thần hiện xuống, chúng ta hãy mở lòng ra, dành chỗ cho Chúa Thánh Thần ngự đến, để Ngài làm cho thành sự ước ao của Thiên Chúa, và cũng là ước ao cháy bỏng của Đức Ki-tô, đó là chúng ta trở nên một, như Thiên Chúa là một.
Nhận xét
Đăng nhận xét