Ngày chung tận
Thi hào Tagore trong tập thơ Gitanjali, bài số 50, có kể chuyện một người ăn xin, tình cờ gặp nhà vua đi trên cỗ xe. Anh đầy tràn hy vọng khi cỗ xe dừng lại gần anh, và nhà vua bước xuống. Anh cứ nghĩ nhà vua sẽ cho anh thật nhiều, nhưng ngài lại chìa tay xin anh. Người hành khất biết lấy gì mà cho, anh chỉ dâng ngài một hạt lúa nhỏ xíu. Đến lúc chiều về, khi đổ những thứ trong bị ra, anh thấy một hạt vàng rất nhỏ. Anh khóc vì tiếc mình đã không cho ngài tất cả những gì mình có. Có khi nào nhà vua giàu có ngửa tay xin một người ăn mày không?
Hơn nữa, có khi nào Đức Kitô ẩn mình dưới dạng một người ăn xin không? Trên chuyến xe lửa đi về vùng Darjeeling ở chân núi Hy-mã-lạp-sơn, năm 1946,Chị Têrêsa Calcutta đã nhận được một ơn gọi thứ hai, dù chị đang tu ở dòng Loreto. “Chính trong chuyến xe lửa đó, tôi đã nghe tiếng gọi bỏ tất cảvà theo Ngài vào khu ổ chuột – phục vụ Ngài nơi những người nghèo nhất”.
Chị đã viết như thế, và chị còn giải thích thêm: “Thiên Chúa gọi tôi để làm giảm cơn khát của Đức Giêsubằng cách phục vụ Ngài nơi người nghèo nhất trong số các người nghèo.” Chị Têrêsa được ơn gặp Đức Giêsu Kitô đang đói khát, đang ở khu ổ chuột.Chị đã cho Ngài tất cả và chị không bao giờ phải ân hận về chuyện đó.
Trang Tin Mừng hôm nay tập trung về diễn tiến trong cuộc phán xét chung. Đây là quang cảnh thu gọn của cuộc đại phán xét. Cuối bài giảng của Chúa Giêsu trong Tin Mừng Matthêu từ chương 5 đến hết chương 7, Thánh sử đã loan báo về sự phán xét đối với những môn đệ chân chính và khẳng định Đức Tin KiTô Giáo là một hành động được tóm tắt bằng Tình Yêu đối với tha nhân.
Dụ ngôn về “ cuộc phán xét chung” là một trong chuỗi dụ ngôn có nội dung nói lên cách thức chuẩn bị biến cố cánh chung như thế nào và sự tỉnh thức Chúa đòi hỏi mỗi người.
Câu 31 mở đầu việc ngự đến trong vinh quang của Con Người có các Thiên Thần theo sau hầu hạ. Trước mặt Con Người là một đám đông hỗn độn gồm cả chiên lẫn dê. Và chính Con Người sẽ là người phân xử, tách biệt và lựa chọn: chiên ở bên này và bên kia là dê. Ở câu 32, tác giả đã nêu lên sứ vụ mục tử của Con Người. Người hiểu rõ và biết được sự khác nhau giữa chiên và dê. Đây là lúc vị mục tử sẽ phân loại bầy chiên dê hỗn tạp này, trong uy quyền và công bằng trong xét xử. Tiêu chuẩn của việc phân loại dựa trên lòng yêu mến của thần dân đối với Vua là cách đối xử của họ với anh em mình ( c.40 và 45). Phần thưởng hay hình phạt đều dựa trên cách đối xử ấy.
Mở đầu lời nói mà Đức Vua dành cho những người thuộc bầy chiên mà Người chăn dắt rằng: “ Những kẻ Cha Ta chúc phúc, hãy đến thừa hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các ngươi ngay từthuở tạo thiên lập địa ( c. 34). Cách xưng hô của Đức Vua đủ cho chúng ta biết những người bên phải là người được Chúa Cha tuyển chọn và yêu thương. Họ được chúc phúc “ vì xưa Ta đói, các ngươi đã cho Ta ăn; Ta khát, các ngươi đã cho Ta uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm nom; Ta ngồi tù, các ngươi đã đến thăm. ( c. 35-36). Đức Vua kể hàng loạt việc tốt, việc lành mà họ đã cư xử với những người anh em đồng loại mà được Ngài kể như là làm cho chính Ngài “ mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy.”
( c.40 ).
Chính Ngài xác định người anh em bé nhỏ là hiện thân của Ngài trên trần gian. “ Người anh em bé nhỏ” mà chúng ta thấy Chúa nêu lên là: Người đói khát, người không có áo mặc, người không có nơi trú chân, người đau bệnh và người bị tù đày. Họ thuộc tầng lớp thấp kém trong xã hội, bị xã hội khinh khi, ruồng bỏ... Chính Chúa ở trong họ. Chính Chúa cần đến sự giúp đỡ, ân cần của chúng ta khi họ bị đói khát, bị bỏ rơi, bị xem thường. Chính Chúa cần chúng ta khi họ lang thang trên vỉa hè, đường phố trong những đêm giá lạnh, cô đơn. Chính Chúa cần đến chúng ta khi họ đang phải chống trả với những căn bệnh thời đại, bất trị. Chính Chúa cần chúng ta khi họ bị quên lãng trong chốn tù đày, bị xã hội gắn cho một cái mác “ đi tù về...” và họ sống trong mặc cảm không sao vươn lên để làm lại cuộc đời.
Từ câu 41-45, Thánh sử cũng chỉ lập lại những sự kiện, những câu hỏi đối đáp như trên, nhưng tình thế lật ngược 1800 chỉ vì cách cư xử khác biệt của “những kẻ bên trái”. Danh từ những người được chúc phúc , được chuyển thành “quân bị nguyền rủa” và nơi chốn cũng thay đổi từ “ Vương quốc dọn sẵn” nay trở thành “chốn lửa đời đời, nơi dành cho Ác Quỷ và đồng bọn”.
“Mỗi lần các ngươi làm cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (c. 40). Ngài gọi những người khốn cùng trong xã hội là anh em nhỏ nhất của Ngài. Làm cho họ là làm cho chính Ngài, chối từ họ là chối từ chính Ngài. Chúng ta sẽ bị xét xử vào ngày tận thế dựa trên tình yêu. Hôm nay ta có thể gặp Đức Giêsu ở nhà thương, nhà tù, nơi trại tị nạn, nơi gần một tỷ người bị đói trên thế giới, nơi bao người thiếu nước sạch để dùng.Hãy kính trọng trao cho Ngài những gì mình đã chắt chiu.
Dụ ngôn kết thúc trong câu 46 đủ nói lên “cõi đi về” của mỗi người tuỳ theo cách họ cư xử với anh em đồng loại khi còn sống. Suốt dụ ngôn, chúng ta không hề thấy một lời van xin hay một cử chỉ thương xót. Lúc này chỉ còn sự công bằng, thưởng phạt mà thôi.
Hôm nay đây chúng ta biết rõ Thiên Chúa sẽ phán xét chúng ta. Chúng ta biết được những tiêu chuẩn nào Ngài sẽ phán xét, chúng ta đã chuẩn bị gì cho giây phút chúng ta ra hầu tòa Chúa chưa? Hãy nhớ rằng giây phút Chúa gọi ra khỏi đời này chúng ta sẽ không còn thay đổi gì được nữa, chúng ta không còn giây phút nào tự bào chữa đâu. Hãy luôn ở trong tư thế sẵn sàng.
Nhận xét
Đăng nhận xét