Tin mừng: Lc 4, 31-37
31 Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32 Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền.
33 Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng : 34 “Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi ? Tôi biết ông là ai rồi : ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa !” 35 Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó : “Câm đi, hãy xuất khỏi người này !” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. 36 Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau : “Lời ấy là thế nào ? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất !” 37 Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng.
Trong Tin Mừng Luca, đây là những hoạt động công khai của Chúa Giêsu, và những hoạt động này chứng tỏ Ngài là Đấng có uy quyền:
Uy quyền trong lời giảng dạy, vì Ngài giảng dạy chính giáo lý của mình một cách tự tin, chứ không cần dựa vào uy thế của những bậc tôn sư tiền bối nào cả.
Và uy quyền trong hành động: Ngài đã khống chế sức mạnh của ma quỷ một cách rất dễ dàng và nhanh gọn.
Suy niệm (...nẩy mầm)
1. Chúa Giêsu giảng dạy như một Đấng đầy uy quyền. Có lần thính giả phải thừa nhận “chưa từng có ai giảng dậy như ông ấy”. Giáo huấn của Chúa vượt xa tất cả các bật tôn sư thức giả và mở ra cho con người một con đường sống tốt đẹp.
Con muốn được làm học trò trong trường của Chúa. Xin Chúa ngày ngày dạy dỗ con.
2. “Bấy giờ trong hội đường có một người bị quỷ ám”: Người bị quỷ ám là người bị một thế lực xấu khống chế, người đó không còn tự do, người đó không còn là con người trọn vẹn.
Tôi có đang bị khống chế một cách nào đó không: bởi một tính xấu ? những thói quen xấu ? những đam mê lệch lạc. Ngày xưa Chúa đã giải thoát cho người bị quỷ ám. Xin Chúa cũng giải thoát con.
3. Nhận thấy rằng rao giảng bằng lời nói suông chưa đủ, Weizemann, thần học gia, mục sư, nhạc sỹ, bác sỹ đã dấn thân phục vụ những người nghèo nhất ở châu Phi. Làm việc không mệt mỏi, trải qua bao nhiêu khó khăn, nhưng Weizemann vẫn không bao giờ mãn nguyện vì những hy sinh của mình. Năm 1952 khi được trao giải Nobel hòa bình, ông đã tuyên bố: “Không ai có quyền tự phụ mình đã phục vụ cho hòa bình quá nhiều, cũng không ai có quyền nói rằng mình đã mãn nguyện”. Gương phục vụ của Weizemann là một cố gắng họa lại cuộc đời của Chúa Giêsu. Chúa Giêsu không bao giờ rao giảng chỉ bằng lời nói, nhưng luôn kèm theo hành động, gương sáng và cả cái chết nữa. (“Mỗi ngày một tin vui”).
4. “Ngài xuống Cá-phác-na-um, một thành miền Galilê, và ngày sabát Ngài giảng dậy họ. Họ sửng sốt về cách Ngài giảng, vì lời Ngài có uy quyền.(Luca 4,31-32).
Thánh lễ là nơi tôi gặp gỡ Thiên Chúa, tôi thưa chuyện với Ngài và Ngài giáo huấn tôi. Trong thinh lặng và trong khoảng không gian thánh thiện của giáo đường, Ngài hiện diên cách sống động và không ngừng tác động trên tôi. Lời Ngài cũng vang lên một cách huyền nhiệm nơi giáo đường. Nhờ Lời Ngài, tôi cảm thấy mình được biến đổi. Sự thanh thản, nhẹ nhỏm, bình an đến với tôi mỗi khi tôi đến với Ngài. Lo âu, sầu khổ, chán chường, thất bại hay thành công của tôi đều được Ngài chia sẻ, ủi an. Đấy không phải là phép lạ là uy quyền sao ?
Ngày xưa Ngài đã làm cho dân miền Galilê sửng sốt thì lời Ngài hôm nay cũng làm cho tôi ngỡ ngàng.
Nhận xét
Đăng nhận xét