Canh thức Vượt Qua

“Này các bà, các bà đừng sợ!
Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây,
vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói”
(Mt 28, 1-10)
Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng, bà Ma-ri-a Mác-đa-la và một bà khác cũng tên là Ma-ri-a, đi viếng mộ.
2 Thình lình, đất rung chuyển dữ dội: thiên thần Chúa từ trời xuống, đến lăn tảng đá ra, rồi ngồi lên trên;3 diện mạo người như ánh chớp, và y phục trắng như tuyết.4 Thấy người, lính canh khiếp sợ, run rẩy chết ngất đi.5 Thiên thần lên tiếng bảo các phụ nữ: “Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh.6 Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm,7 rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người. Đấy, tôi xin nói cho các bà hay.” 8 Các bà vội vã rời khỏi mộ, tuy sợ hãi nhưng cũng rất đỗi vui mừng, chạy về báo tin cho môn đệ Đức Giê-su hay.
9 Bỗng Đức Giê-su đón gặp các bà và nói: “Chào chị em! ” Các bà tiến lại gần Người, ôm lấy chân, và bái lạy Người.10 Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà: “Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.”

1. Các phụ nữ và mầu nhiệm Vượt Qua
Sự hiện diện của các phụ nữ đi theo Đức Giê-su không được nhắc tới nhiều trong giai đoạn rao giảng Tin Mừng của Đức Giêsu ; chỉ có mỗi một lần, các bà được nhắc đến một cách long trọng, trong Tin Mừng theo thánh Luca: “Cùng đi với Người, có Nhóm Mười Hai và mấy người phụ nữ đã được Người trừ quỷ và chữa bệnh. Đó là bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ, bà Gio-an-na, vợ ông Khu-da quản lý của vua Hê-rô-đê, bà Su-san-na và nhiều bà khác nữa” (Lc 8, 1-3). Tuy nhiên, các bà lại hiện diện cách đặc biệt và duy nhất trong mầu nhiệm Thương Khó và Phục Sinh của Đức Ki-tô.
Trong Tin Mừng theo thánh Mát-thêu và theo thánh Mác-cô, khi bắt đầu kể về cuộc Thương Khó của Đức Ki-tô, một người phụ nữ được các thánh sử nhắc đến một cách rất đặc biệt: “Giữa lúc Người dùng bữa, có một người phụ nữ đến, mang theo một bình bạch ngọc đựng dầu thơm cam tùng nguyên chất thứ đắt tiền. Cô đập ra, đổ dầu thơm trên đầu Người” (Mc 14, 3. Trình thuật này chỉ được đọc 3 năm 1 lần, trong bài Thương Khó theo thánh Mác-cô, Lễ Lá Năm B); “có một người phụ nữ đến gần Người, mang theo một bình bạch ngọc, đựng một thứ dầu thơm đắt giá. Cô đổ dầu thơm trên đầu Người, lúc Người đang dùng bữa” (Mt 26, 7. Trình thuật này không được đọc trong Phụng Vụ, vì bài Thương Khó theo thánh Mát-thêu vào Lễ Lá Năm A, bắt đầu từ câu 14).
Sự hiện diện và cử chỉ lạ lùng của “một người phụ nữ” ít được Phụng Vụ nhắc đến, nhưng lại được chính Đức Giê-su gắn liền mãi mãi với Mầu Nhiệm Vượt Qua của Người. Thật vậy, Đức Giêsu long trọng tuyên bố cho mọi người: “Cô ấy đổ dầu thơm trên mình Thầy là hướng về ngày mai táng Thầy. Thầy bảo thật anh em: Tin Mừng này được loan báo bất cứ nơi nào trong khắp thiên hạ, thì người ta cũng sẽ kể lại việc cô vừa làm mà nhớ tới cô” (Mt 26, 12-13). Đức Giêsu không chỉ xác chuẩn, cử chỉ của người phụ nữ là một việc tốt dành cho Ngài, nhưng còn hướng nó tới cuộc Thương Khó Ngài sắp trải qua. “Hương Thơm Bêtania” được tháp nhập vĩnh viễn vào Cuộc Thương Khó của Đức Giêsu và cuộc Thương Khó của Người hướng tới Tin Mừng Sự Sống. Hương thơm chính là biểu tượng của sự sống. Bởi lẽ, sự sống thì “thơm”, còn sự chết thì ngược lại. Hương Thơm Bêtania được Đức Giêsu đưa lên tầm mức Tin Mừng Sự Sống. Như thế, Hương Thơm người phụ nữ “xức” lên mái tóc Đức Giêsu được gắn liền mãi mãi với Tin Mừng: Tin Mừng-Sự Sống-Hương Thơm.
Chính vì thế mà ngay trong giai đoạn đầu tiên của biến cố Phục Sinh, sự hiện của các bà được đặc biệt nói đến đầu tiên, như chúng ta vừa nghe trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, cũng như trong các trình thuật Tin Mừng về Đấng Phục Sinh, mà chúng ta sẽ được nghe công bố trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh.
2. Dấu chỉ về Đấng Phục Sinh
Hai bà được nêu đích danh, chứ không phải được gọi bằng danh từ “các bà” chung chung (x. Lc 24, 1); đó là bà Maria Magdala, vị thánh nữ nổi danh (x. Ga 20, 1-18, Trình thuật Tin Mừng Phục Sinh của Chúa Nhật Phục Sinh và thứ hai trong Tuần Bát Nhật Phục Sinh), và một bà Maria khác nữa.
Các bà đi tìm Đức Giê-su đã chết và muốn chăm sóc cho thân xác đã chết của Ngài. Điều này diễn tả tình yêu vô vị lợi của các bà dành cho Đức Giê-su. Thật vậy, các bà vẫn hướng về Ngài vào những lúc thử thách nhất, bi đát nhất và đen tối nhất trong cuộc Thương Khó; và các bà vẫn một lòng gắn bó với Ngài, khi Ngài chẳng còn là gì hơn là một thân xác nát tan, đã được tẩm liệm và mai táng. Thánh sử Gioan kể về bà Maria Magdala cách đặc biệt (Ga 19, 19-25 và 20, 11-18).
Vậy, bởi đâu các bà có tình yêu vô điều kiện như thế dành cho Đức Giê-su, nếu không phải là kinh nghiệm sâu đậm về ơn huệ, ơn huệ tha thứ và chữa lành: “Bà Ma-ri-a gọi là Ma-ri-a Mác-đa-la, người đã được giải thoát khỏi bảy quỷ (Lc 8, 2). Đó cũng phải là hành trình đi theo Đức Ki-tô của chúng ta trong ơn gọi Chúa ban cho chúng ta.
Các bà gắn bó với Thầy đã chết; tuy nhiên, toàn bộ khung cảnh, toàn bộ thế giới nhỏ bé bao quanh các bà, tràn ngập dấu chỉ Sự Sống Mới của Đấng Phục Sinh:
a. Trước hết, đó là dấu chỉ thiên nhiên: “Sau ngày sa-bát, khi ngày thứ nhất trong tuần vừa ló rạng” (c. 1).
  • “Sau ngày sa-bát”, nghĩa là tuần cũ đã qua, hình ảnh của mọi tuần, khởi đi từ tuần đầu tiên được sáng tạo, mà chúng ta đã nghe trong bài đọc 1, trích sách Sáng Thế, chương 1. Hình ảnh này loan báo tuần mới và sáng tạo mới, đã bắt đầu rồi.
  • Ánh sáng “ló rạng”, nghĩa là vào lúc ánh sáng đẩy lui bóng tối của đêm đen. Hình ảnh thiên nhiên này diễn tả sự chiến thắng trên sự chết của Đức Ki-tô phục sinh.
  • “Ngày thứ nhất trong tuần”. Ngày thứ nhất trong tuần là ngày của ánh sáng theo St 1, 3. Và Đức Ki-tô phục sinh chính là Ngôi Lời ánh sáng, theo Ga 1, 9.
Những dấu chỉ thiên nhiên này, nói về sự sống của Đức Ki-tô phục sinh và loan báo sự sống mới của chúng ta trong Đức Ki-tô, vẫn được ban cho chúng ta mỗi ngày.
b. Tiếp đến là dấu chỉ “ngôi mộ trống”, vì như thiên thần Chúa long trọng công bố: “Người không có ở đây” (c. 6). Chúng ta nên gọi là « ngôi mộ mở » thì hay và đúng hơn. Vì mộ phần, tượng trưng cho sự chết, vốn là sức mạnh tột đỉnh của sự dữ, không giam hãm được Đức Ki-tô và đã bị Đức Kitô vượt qua. Hình ảnh « ngôi mộ trống » nghiêng về ý nghĩa tiêu cực nhiều hơn, vì « trống » có nghĩa là người chết bị lấy đi hay biến mất tiêu, như bà Maria nói với các Tông Đồ : « Người ta đem Chúa đi khỏi mộ ; và chúng tôi chẳng biết họ để Người ở đâu » (Ga 19, 2). Bà nhìn thấy « ngôi mộ mở », nhưng lại nghĩ rằng đó là « ngôi mộ trống »!
c. Và sau cùng là dấu chỉ “sứ điệp thần linh”. Đó là Tin Mừng Phục Sinh do chính thiên thần Chúa từ trời xuống công bố:
Này các bà, các bà đừng sợ! Tôi biết các bà tìm Đức Giê-su, Đấng bị đóng đinh. Người không có ở đây, vì Người đã trỗi dậy như Người đã nói. (c. 5-6a)
Bởi vì chiến thắng sự chết chỉ có thể là quyền năng của Thiên Chúa và chỉ có thể được chính sứ thần của Thiên Chúa công bố mà thôi. Và như chúng ta đều biết và có kinh nghiệm, để đón nhận Tin Mừng Phục Sinh, cũng vẫn là công trình của Thiên Chúa thực hiện nơi tâm hồn và cuộc đời của chúng ta.
Vẫn chưa hết sự ưu ái Thiên Chúa dành cho các bà, vì các bà là những người đầu tiên được trao cho sứ mạng loan báo Tin Mừng phục sinh, không phải cho các dân tộc xa xôi, nhưng cho chính các Tông Đồ, nghĩa là cho “những trụ cột” của Giáo Hội:
Các bà đến mà xem chỗ Người đã nằm, rồi mau về nói với môn đệ Người như thế này: Người đã trỗi dậy từ cõi chết, và Người đi Ga-li-lê trước các ông. Ở đó, các ông sẽ được thấy Người(c. 6b-7a)
Ở điểm khởi đầu trọng đại này, các môn đệ và nhất là các tông đồ, mà đứng đầu là ông Phê-rô (x. Mc 16, 7), vốn là những trụ cột và Đáng Tảng của Giáo Hội, được mời gọi mở lòng ra để lắng nghe lời loan báo Tin Mừng của các phụ nữ! Và không phải một Tin Mừng nói về các bà cách đặc biệt vào thời điểm hệ trọng này, nhưng cả bốn Tin Mừng đều nói và nói theo những cách khác nhau, như Giáo Hội sẽ cho chúng ta nghe lại trong Mùa Phục Sinh (x. Mt 28, 1-10; Mc 16, 1-8; Lc 24, 1-7 và Ga 20, 1-2. 11-18).
Như thế, hình ảnh người phụ nữ được đưa lên hàng đầu trong thời điểm trọng đại : khởi đầu mới của Đức Kitô, của các môn đệ và Giáo Hội, của toàn lịch sử và nhân loại. Vai trò của các phụ nữ được ưu tiên trong giai đoạn mới của lịch sử cứu độ. Nhưng đây không phải là lần đầu, hay là điều bất thường, nhưng là sự ưu ái xuyên suốt của Thiên Chúa dành cho các phụ nữ, trong sáng tạo và lịch sử: bà Eva, bà Sara, bốn người phụ nữ được nêu danh trong chính gia phả của Đức Giê-su (Tama, Ra-kháp, Rút và Batseva), theo thánh sử Mát-thêu (Mt 1, 1-17), và nhất là Đức Maria.
Ngày nay, sự lựa chọn ưu ái này của Thiên Chúa dành cho nữ giới vẫn còn được duy trì, trong ơn gọi hôn nhân gia đình và nhất là trong ơn gọi tu trì rất phong phú trong Giáo Hội, để loan báo sự sống mới của Đức Ki-tô Chịu Đóng Đinh và Phục Sinh bằng chính đời sống thánh hiến.
 3. Gặp gỡ Đấng Phục Sinh
Và trên đường từ ngôi mộ trở về báo tin cho các môn đệ Đức Giê-su, các bà đã được chính Đức Ki-tô Phục Sinh đón gặp, như để bày tỏ lòng ưu ái đặc biệt với các bà:
“Chào chị em!”
Các bà tiến lại gần Người,
ôm lấy chân, và bái lạy Người. 
(c. 9)
Và đồng thời, khi để cho các bà được nhận biết trực tiếp, Ngài muốn đặt nền tảng cho lời loan báo của chứng nhân đầu tiên, và của các chứng nhân ở mọi thời, trong đó có chính chúng ta hôm nay nữa, đó là kinh nghiệm gặp gỡ đích thân Đức Ki-tô Phục Sinh. Chính vì thế mà, các bà được Truyền Thống Giáo Hội tôn vinh là “tông đồ của các tông đồ”:
Bấy giờ, Đức Giê-su nói với các bà:
“Chị em đừng sợ! Về báo cho anh em của Thầy
để họ đến Ga-li-lê. Họ sẽ được thấy Thầy ở đó.” 
(c. 10)
Xin cho chúng ta cũng có cùng một kinh nghiệm gặp gỡ Đấng Phục Sinh, ngang qua kinh nghiệm được sự sống mới của Chúa đánh động, lôi kéo và thu hút chúng ta trong cuộc đời, trong hành trình ơn gọi và trong mỗi ngày sống, đến độ chúng ta có thể bình tâm với mọi sự và định hướng cho mọi sự.
Và vì sự sống của Đức Ki-tô phục sinh là có thật, xin cho chúng ta được nhận ra sự hiện diện của Ngài đã tràn sang bờ bên này của cuộc sống chúng ta để biến đổi, tái tạo, soi sáng, dẫn dắt sự sống hôm nay và chóng qua của chúng ta, ngang qua các dấu chỉ Lời Chúa, các bí tích, nhất là bí tích Thánh Thể, và những biến cố trong cuộc đời của chúng ta.
Như hành trình đức tin của các phụ nữ, nhất là của thánh nữ Maria Ma-ri-a Mác-đa-la, của các hai môn đệ trên đường Emmau và của chính các Tông Đồ, chính kinh nghiệm thiêng liêng đích thân gặp gỡ, đụng chạm và cảm nếm sự hiện diện thần linh của Đức Ki-tô chịu đóng đinh và đã phục sinh, cũng như hoa trái mà kinh nghiệm này làm phát sinh trong cuộc sống đầy ơn huệ nhưng cũng nhiều thử thách của chúng ta, tự thân, như hương thơm lan tỏa, đã là một lời loan báo:
TIN MỪNG ĐỨC KI-TÔ
CHỊU ĐÓNG ĐINH và PHỤC SINH
Và đồng thời chính kinh nghiệm này, cùng với những hoa trái tình thương và sự sống được trổ sinh, làm chứng cho lời loan báo của chúng ta là sự thật, là có nguồn gốc thần linh, chứ không phải là bất cứ sự kiện lạ lùng, kiến thức lịch sử hay ngụy lịch sử hoặc lí lẽ hùng biện hay khúc chiết nào khác.
Kính chúc
Quí Cha, Quí Thầy, Quí Soeurs và tất cả Anh Chị Em
Mùa Phục Sinh:
  • Được Chúa củng cố lòng tin và và gia tăng lòng mến, để nhận ra sự hiện diện sống động của Đức Ki-tô chịu đóng và đã phục sinh, qua các dấu chỉ Kinh Thánh, Thánh Thể, các bí tích và những biến cố cuộc đời.
  • Tràn đầy tình yêu và lòng thương xót của Người, khi đọc và cầu nguyện với đời mình, dưới ánh sáng mầu nhiệm Vượt Qua.
  • Trở thành Hương Thơm loan tỏa và loan báo Tin Mừng-Sự Sống của Người (x. Mt 26, 6-13 và Mc 14, 3-9).

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này