Thứ sáu, sau Chúa Nhật V Mùa Chay
“Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha”
(Ga 10, 31-42)
(Ga 10, 31-42)
31 Người Do-thái lại lấy đá để ném Đức Giê-su.32 Người bảo họ: “Tôi đã cho các ông thấy nhiều việc tốt đẹp Chúa Cha đã giao cho tôi làm; vì việc nào mà các ông ném đá tôi? “33 Người Do-thái đáp: “Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”
34 Đức Giê-su bảo họ: “Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh””?35 Nếu Lề Luật gọi những kẻ được Thiên Chúa ngỏ lời là những bậc thần thánh, mà lời Kinh Thánh không thể bị huỷ bỏ,36 thì tôi là người Chúa Cha đã thánh hiến và sai đến thế gian, làm sao các ông lại bảo tôi: “Ông nói phạm thượng! vì tôi đã nói: “Tôi là Con Thiên Chúa”?37 Nếu tôi không làm các việc của Cha tôi, thì các ông đừng tin tôi.38 Còn nếu tôi làm các việc đó, thì dù các ông không tin tôi, ít ra cũng hãy tin các việc đó. Như vậy, các ông sẽ biết và ngày càng biết thêm rằng: Chúa Cha ở trong tôi và tôi ở trong Chúa Cha.” 39 Bấy giờ họ lại tìm cách bắt Người, nhưng Người đã thoát khỏi tay họ.
40 Đức Giê-su lại ra đi, sang bên kia sông Gio-đan, đến chỗ trước kia ông Gio-an đã làm phép rửa, và Người ở lại đó.41 Nhiều người đến gặp Đức Giê-su. Họ bảo nhau: “Ông Gio-an đã không làm một dấu lạ nào cả, nhưng mọi điều ông ấy nói về người này đều đúng.”42 Ở đó, nhiều người đã tin vào Đức Giê-su.
1. Người Do Thái không tin.
Khi cầu nguyện với Lời Chúa trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, điểm thứ nhất chúng ta cần chú ý, đó là sự kiện người Do thái không tin Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa. Thực vậy, họ nói với Đức Giê-su:
Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.
Vậy, tại sao người Do thái không tin Đức Giê-su đến từ Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa? Câu trả lời có ngay trong lời nói của họ: bởi vì họ chỉ nhìn thấy trước mắt họ, Đức Giê-su một người phàm mà thôi, nghĩa là một người cụ thể mà họ đang đối thoại, một người như bao người khác, giới hạn trong không gian và thời gian. Hơn nữa, họ không chỉ thấy, mà con biết, biết rõ về Ngài: Tên của Ngài là Giê-su, người làng Nazareth, con ông Giuse và bà Maria.
Như khi Ngài về làng quê Nazareth, những người cùng quê với Đức Giê-su nghe Ngài giảng giải Lời Chúa, lúc đầu họ đã tõ ra rất thán phục, như thánh Luca kể lại : « Mọi người đều tán thánh và thán phục những lời hay ý đẹp thốt ra từ miệng Người » (v. 22). Nhưng ngay sau đó, họ nêu vấn nạn, khởi đi từ những gì họ thấy và biết về Đức Giê-su : « Ông này không phải là con ông Giuse đó sao ? ». Khi kể lại chuyện này, Tin Mừng theo thánh Mác-cô nói chi tiết hơn : « Ông ta không phải là người thợ mộc, con bà Maria, và anh em của các ông Gia-cô-bê, Gio-xét, Giu-đa và Simon sao ? Chị em của ông phải là bà con lối xóm với chúng ta sao ? » (Mc 6, 3). Như khi Ngài nói mình là “Bánh Hằng Sống” (x. Ga 6), người Do thái xầm xì, bởi vì họ biết rõ Đức Giê-su, Ngài là con ông Giuse và bà Maria, và biết rõ cha mẹ của Ngài; trong khi đó, họ lại vừa nghe Đức Giê-su nói: “Tôi là bánh từ trời xuống”!
Đây cũng chính là lời xầm xì của người thời đại chúng ta, và cũng chính chúng ta nữa, ít nhất là ngấm ngầm. Ngày nay, qua các phương pháp nghiên cứu sử học, người ta biết nhiều hơn và khách quan hơn về “nhân vật lịch sử” Giêsu Nazareth, về tôn giáo của dân tộc Ngài, về bối cảnh văn hóa, xã hội và chính trị thời đại của Ngài. Người ta thán phục về nhân cách độc nhất vô nhị của Ngài.
Tuy nhiên, như người Do thái xưa, người ta không thể chấp nhận niềm tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa, là “bánh từ trời xuống”.
Tuy nhiên, dưới cái nhìn của đức tin, chúng ta được mời gọi nhận ra tính chân thực của mầu nhiệm Ngôi Lời nhập thể, như thánh sử Gioan tuyên xưng: “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1, 14), đến độ xét theo vẻ bề ngoài, người ta không còn nhận ra nguồn gốc và bản tính thần linh của Người. Như thế, thân phận con người trở nên có ý nghĩa, có hướng đi và có niềm hi vọng, nghĩa là trở nên con đường dẫn đến Nguồn Sự Sống, là chính Thiên Chúa, vì được Con Thiên Chúa đảm nhận, đảm nhận thực sự trong mầu nhiệm nhập thể và mầu nhiệm Vượt Qua.
Người Do Thái thấy Ngài như thế, và biết rõ về Ngài như thế, còn sự kiện Ngài đến từ Thiên Chúa, là con Thiên Chúa và là Thiên Chúa, thì họ “không thấy gì cả”, vì thế họ không chịu tin. Cũng thế, trong những lúc khác, người Do thái dù đã thấy bao dấu lạ Ngài làm, bao việc tốt đẹp Ngài thực hiện, nhưng vẫn không chịu tin, vì đối với họ bao nhiêu đó dấu lạ và những điều tốt đẹp vẫn chưa đủ. Nhưng chúng ta thử suy nghĩ xem, bao nhiêu là đủ? Nếu đó là lòng ham muốn thấy và biết? Vì thế, họ đòi Ngài làm những dấu lạ từ trời; và khi Ngài chịu đóng đinh trên Thập Giá, họ vẫn đòi dấu lạ: “Xuống khỏi thập giá đi, để chúng ta thấy, chúng ta tin”.
Như thế, người Do thái không tin, vì họ đòi thấy cho bằng được căn tính thần linh của Ngài, đòi thấy Ngài “từ trời xuống thế”. Họ muốn thấy điều không thể thấy, nhưng chỉ có thể tin mà thôi. Và chúng ta cũng sẽ không tin như người Do thái, nếu chúng ta đòi thấy nguồn gốc thần linh của Đức Ki-tô, đòi thấy Đức Ki-tô phục sinh, đòi thấy điều chúng ta tin và tuyên xưng trong kinh Tin Kính:
Đức Giêsu là Đấng Kitô, Con Một Thiên Chúa, sinh bởi Chúa Cha từ trước muôn đời, Người là Thiên Chúa bởi Thiên Chúa, ánh sáng bởi ánh sáng, […]. Vì loài người chúng ta, và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.
Nhưng có đúng là, khi thấy dấu lạ rồi người ta sẽ tin không? Kinh nghiệm cho thấy, không hẳn như vậy: dấu lạ mời gọi tin, chứ không tất yếu dẫn đến lòng tin. Và đó chính là kinh nghiệm của người Do thái trong sa mạc. Họ nhìn thấy bao dấu lạ, nhất là dấu lạ vượt qua Biển Đỏ khô chân, nhưng khi gặp thử thách khó khăn, họ kêu trách và không chịu tín thác vào Đức Chúa (x. Tv 106). Chẳng lẽ Chúa lại phải làm cho họ dấu lạ mỗi ngày. Chỉ cần một vài dấu lạ, rồi tin và cứ thế mà bước đi trong tín thác chứ. Giống như, những người cùng thời với Đức Giêsu, chứng kiến bao dấu lạ Ngài làm, và chính ngôi vị của Ngài là một dấu lạ, thế mà vẫn cứ đòi dấu lạ từ trời.
Họ cứ nghĩ là thấy thì tin, đó là ảo tưởng. Bởi vì thấy, thì thấy một lần trong một thời điểm và nơi chốn nhất định; trong khi tin là tin vào một ngôi vị, tin suốt đời ở mọi nơi mọi lúc. Tin lúc Chúa ban dấu lạ. Và tin cả lúc Chúa không ban dấu lạ. Trong cuộc sống, những ngày không có dấu lạ gì mới là nhiều ; và có những ngày, những giai đoạn đầy đau khổ và thử thách. Nhưng kinh nghiệm cho thấy rằng, khi tin rồi chúng ta sẽ thấy mọi sự đều lạ, và nhất là chúng ta có thể nhận ra Chúa trong mọi sự.
2. Thấy và tin
Trong cuộc sống thường ngày, chúng ta cũng không thể thấy và biết hết về nhau, nhưng thay vì nghi ngờ hay không tin, chúng ta được mời gọi trao ban lòng tin. Và chúng ta cần lòng tin của nhau biết bao, để tự sửa đổi, để lớn lên, để ước ao đáp đền bằng những nỗ lực nhỏ bé mỗi ngày. Nếu chúng ta đòi thấy hết và biết hết mới tin, thì không bao giờ tin được. Bởi vì, tin là một quyết định tự do, là một quà tặng, liều mình đặt cuộc đời mình trong tay một người. Trong tình yêu, người “ghen tương” là người đòi biết hết, thì mới tin. Nhưng đến một lúc nào đó, người này phải chấp nhận thực tại là mình không thể biết hết; và thay vì trao ban lòng tin, người này ghi ngờ, từ đó phá hủy tương quan.
Bởi vì, nghi ngờ là nọc độc gây ra bầu khí chết chóc và bạo lực. Đối với Chúa, chúng ta càng không thể thấy và biết hết, nhưng chúng ta được giáo dục trong gia đình và trong Giáo Hội và chúng ta được Chúa ban ơn và mời gọi chúng ta quyết định trao ban lòng tin, quyết định liều mình đặt cuộc đời của chúng ta vào trong tay Chúa, để cho Chúa dẫn dắt chúng ta bằng Lời của Ngài.
Lời của Đức Giêsu hôm nay giúp người Do Thái xưa kia và chúng ta hôm nay, vượt qua khó khăn này, để chúng ta có thể:
- thấy thiên nhiên nhưng tin Thiên Chúa tạo dựng;
- thấy lịch sử thăng trầm nhưng tin đó là lịch sử thánh, là lịch sử cứu độ, vì Thiên Chúa hiện diện và dẫn dắt theo một hướng đi;
- thấy tội lỗi và sự dữ, nhưng tin kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa không thất bại, vì Ngài có thể chuyển hóa điều dữ thành điều tốt;
- thấy đau khổ nhưng tin đó là hành trình đi đến hạnh phúc viễn mãn;
thấy sự chết, sự chết của Đức Kitô, sự chết của từng người trong chúng ta, nhưng tin đó là ngưỡng cửa bước vào cõi sống.
Ngoài ra, trong bài Tin Mừng, để mời gọi người Do Thái và chúng ta tin, Đức Giêsu còn nói:
Trong Lề Luật các ông, đã chẳng có chép lời này sao: “Ta đã phán: các ngươi là những bậc thần thánh”? (c. 34)
Đức Giêsu mời gọi người Do Thái, và mời gọi mỗi người chúng ta, nhận ra chiều kích thần linh ngay trong thân phận bé nhỏ, giới hạn, tội lỗi của con người; và đó là cách tốt nhất để tin nơi lời nói, việc làm và nhất ngôi vị của Đức Giêsu. Thực vậy, chúng ta được mời gọi nhận ra:
- sự sống thật kì diệu, cho dù giới hạn;
- những điều lạ lùng xẩy ra trong cuộc sống, nhất là những chứng từ của tình bạn, tình yêu, lòng mến, của sự hi sinh, đời dâng hiến.
- và nhất là nhận ra lòng khát khao vô biên, cuộc sống viên mãn, khát khao có nhau mãi mãi, khát khao tình yêu vô tận.
Ai có thể gieo vào thế giới, gieo vào giữa lòng cộng đồng nhân loại, gieo vào nơi sâu thẳm con người những điều như thế. Không thể là hư vô, không thể là may rủi, không thể là ảo tưởng, không thể là tuyệt vọng; nhưng chỉ có thể là Thiên Chúa, Ngài đã gieo vào con tim chúng ta lòng khao khát Ngài, và để rồi làm cho thỏa mãn. Như sách Huấn Ca nói: “Người đặt con mắt mình vào tâm hồn chúng, để chúng nhận ra các công trình vĩ đại của Người.” (Hc 17, 8)
Tin như thế không hề là cả tin hay ngây ngô: Chúng ta có Đức Giêsu Kitô; Ngài là hạt giống Thiên Chúa gieo vào thế giới và đã đạt tới đích viên mãn, cho dù con người tìm cách cản trở, sự dữ tìm cách hủy diệt; và Ngài đang lôi kéo tất cả chúng ta. Tuần Thánh là thời gian quan trọng nhất của năm Phụng Vụ, ở đó chúng ta tưởng niệm và hiện tại hóa mầu nhiệm Vượt Qua, và cũng là mầu nhiệm Vượt Qua của tất cả chúng ta. Đó là Việc Làm, là Công Trình kì diệu Thiên Chúa làm cho loài người chúng ta, và chúng ta mời gọi tin nơi tình yêu Thiên Chúa, được thể hiện nơi Đức Giêsu Kitô.
3. Nghi ngờ và bạo lực
Công trình của Thiên Chúa là con người tin vào Đấng Ngài sai đến. Tin là cả một công trình; chính vì thế, công trình của ma quỉ cũng phải là làm cho con người không tin, nghi ngờ; và không tin vào Thiên Chúa, sẽ tất yếu tin vào những điều khác, thuộc về ma quỉ và sự chết. Không tin nơi Thiên Chúa, thì người ta sẽ thuộc về sự chết, làm việc sự chết, bởi vì sự chết sẽ là mạnh nhất, có khả năng xí xóa tất cả, giải quyết mọi vấn đề, và nhất là làm cho mọi người “huề cả làng”!
Chúng ta có thể tự hỏi tại sao người ta lại muốn giết Chúa bằng hình phạt khủng khiếp nhất: đóng đinh vào Thập Giá. Trước hết đó là năng động của hành vi không tin: Tôi không tin người này là Con Thiên Chúa, vậy thì giết nó đi, xem coi nó có thể tự cứu mình, hay Thiên Chúa có cứu nó không. Như thế, không tin, sẽ tất yếu dẫn đến những hành vi dò xét, tố cáo và hành động bạo lực, nhằm chứng minh điều mình không tin là đúng; không tin sự sống, người ta sẽ tất yếu làm việc cho sự chết. Giống như, hành động hái trái cấm (x. St 3, 1-7) phát xuất từ thái độ nội tâm không tin vào lời Thiên Chúa:
Nó cậy CHÚA, mặc Người cứu nó! Người có thương, giải gỡ đi nào! (Tv 22, 9)
Ta hãy coi những lời nó nói có thật không,
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm. (Kn 2, 17-20)
và nghiệm xem kết cục đời nó sẽ thế nào.
Nếu tên công chính là con Thiên Chúa,
hẳn Người sẽ phù hộ và cứu nó khỏi tay địch thù.
Ta hãy hạ nhục và tra tấn nó,
để biết nó hiền hoà làm sao,
và thử xem nó nhẫn nhục đến mức nào.
Nào ta kết án cho nó chết nhục nhã,
vì cứ như nó nói, nó sẽ được Thiên Chúa viếng thăm. (Kn 2, 17-20)
Xin Thánh Thần Thiên Chúa cho chúng ta nhận ra những tác hại của lựa chọn không tin, vốn là nguồn gốc dẫn đến thái độ nghi ngờ chết chóc, đồng thời thúc đẩy chúng ta lựa chọn tin, tín thác và cảm nếm ngay hôm nay hoa trái sự sống của lòng tin, như chính Đức Giê-su tuyên bố:
Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời. (Ga 3, 16)
Nhận xét
Đăng nhận xét