Thứ sáu Tuần Thánh: Hôn kính Đức Kitô chịu đóng đinh

“Chúa chính là gương mặt hữu hình
của Chúa Cha vô hình”
Nghi thức tưởng niệm cuộc Thương Khó của Đức Giêsu mà chúng ta đang cử hành, đạt tới đỉnh cao, hay nói theo nghi thức phụng vụ, phần long trọng nhất, khi chúng ta thực hiện cử chỉ kính thờ Thánh Giá: cụ thể là chúng ta sẽ quì hoặc cúi mình hôn hình tượng “Đức Giêsu Chịu Đóng Đinh”.
Nhưng cử chỉ tôn kính này chỉ tròn đầy khi chúng ta hiểu được trong nội tâm điều gì đã dẫn Đức Giêsu đến cái chết thảm thương trên Thập Giá, và Đức Giêsu để mình bị dẫn đến nơi hành hình với ý hướng nào. Các trình thuật Thương Khó, trong đó có trình thuật theo Tin Mừng theo thánh Gioan vừa được công bố cho chúng ta cách long trọng, được viết ra chính là để giúp chúng ta hiểu Thập Giá Đức Giêsu được dương cao vì những lí do gì và nhằm mục đích gì.
Thập Giá Đức Kitô được dựng trên đồi cao, và ngày nay Thập Giá cũng được treo hoặc dựng trên cao ở khắp nơi (chẳng hạn Thánh Giá ở Núi Bãi Dâu), chính là để mọi người nhìn thấy. Nhưng mọi người có nhìn thấy không? Và nếu có nhìn thấy, thì nhìn thấy những gì? Chúng ta thường vội nhìn ra những điều vô hình (thiên đàng, luyện tội, hỏa ngục…), hay nghĩ đến những tư tưởng cao siêu (bản tính, nhân tính, thiên tính, ngôi hiệp…); hoặc lòng chúng ta đầy mặc cảm, khi vội nghĩ đến tội của mình, và vì tội của mình mà Chúa phải chịu phạt và phải chịu đền; hoặc mặt chúng ta đầy nước mắt, vì thương cảm với những đau khổ tinh thần về thể xác Chúa phải chịu.
Tuy nhiên, Đức Giê-su để cho mình bị treo trên thập giá, được đặt trên đồi cao, thân thể nát tan, chính là để chúng ta nhìn thấy những điều thật hữu hình, thật cụ thể, đập vào mắt mỗi người chúng ta. Thực vậy, trong cuộc Thương Khó, chúng ta cần nhận ra rằng Đức Giêsu bị dẫn tới thập giá bởi nhiều ý muốn của con người và cuộc « Thương Khó » (Passion) của Đức Giê-su, chính là « hành động » (action) của con người.
Vậy chúng ta hãy hướng lên Đức Ki-tô chịu đóng đinh và nhìn vào những gì thật hữu hình:
  • Cây thập giá, đến từ vụ xét xử gian dối, vô trách nhiệm, từ những lời tố cáo và kết án nhân danh lề luật.
  • Chữ INRI (Iesus Nazarenus, Rex Iudaeorum: Giê-su Nadarét, Vua người Do Thái) vừa là bản án bất công, vừa là lời diễu cợt trên ngôi vị và trên cả một dân tộc.
  • Thân thể nát tan vì roi vọt, kết quả của tình cảnh bị bỏ rơi, lòng ghen ghét, của sự phản bội, của sự bất trung.
  • Thân thể trần trụi, đầu đội mạo gai, diễn tả sự sỉ nhục, những lời nhạo báng, sỉ nhục, diễu cợt trên ngôi vị.
  • Chân tay bị đanh đâm thủng và ghim vào giá gỗ, nói lên rằng con người đã đánh mất nhân tính và hành động theo thú tính.
Đó là chính là Sự Dữ hiện ra nguyên hình, dưới mọi hình thức và mọi cấp độ nơi thân xác nát tan và chịu đóng đinh của Đức Ki-tô. Thế mà tất cả những gì chúng ta nhìn thấy nơi Thập Giá vẫn còn tồn tại mạnh mẽ trong thế giới loài người chúng ta: âm mưu, bắt bớ bằng bạo lực, xét xử gian dối, vô trách nhiệm, tố cáo và kết án người vô tội nhân danh lề luật, bản án bất công, diễu cợt và sỉ nhục trên ngôi vị và trên cả một dân tộc, vô cảm, bỏ rơi, ghen ghét, phản bội, bất trung, bạo lực làm cho thân thể nát tan, người đóng đinh người, con người hành động theo thú tính, con người hành hạ nhau, làm hại nhau và giết hại nhau.
Sự Dữ vốn hay ẩn nấp, nhưng lại hiện hình rất rõ ràng và cụ thể nơi Thập Gía Đức Kitô. Nơi Thập Giá của Đức Ki-tô, Thiên Chúa phơi bày Tội và Sự Dữ hiện diện và hành động nơi loài người và nơi từng người chúng ta. Nhưng không phải để lên án, nhưng để tha thứ, chữa lành và giải thoát chúng ta khỏi sự dữ và sự chết. Thật vậy, Chúng ta sẽ được giải thoát khỏi Sự Dữ khi nhìn thấy nó hiện hình nơi thân thể nát tan nhưng thánh thiện của Đức Kitô (x. Ds 21, 4-9 và Ga 3, 13-17), bởi vì con người được dựng nên theo Sự Thiện và cho Sự Thiện, nên không thể tương hợp với Sự Dữ hiện ra nguyên hình.
Nhưng ai có thế mang vào mình cùng một lúc tất cả những điều này, nếu không phải là chính Thiên Chúa vô cùng bao dung và thương xót?
Nơi Thập Giá, Đức Kitô mang vào mình mọi “bệnh hoạn tật nguyền” của chúng ta, để làm cho chúng ta trở nên lành mạnh, nên công chính cách nhưng không, như bài ca về “Người Tôi Tớ Đau Khổ” đã loan báo. Vì thế, trên tất cả, nơi thập giá của Đức Kitô, chúng ta được mời gọi nhìn ra trong tín thác và bình an thẳm sâu “Khuôn Mặt đích thật” của chính Thiên Chúa.
Hôn kính
ĐỨC KI-TÔ CHỊU ĐÓNG ĐINH
là hôn kính
“GƯƠNG MẶT HỮU HÌNH CỦA CHÚA CHA VÔ HÌNH
ĐẤNG BIỂU LỘ QUYỀN NẶNG CỦA NGÀI
TRƯỚC HẾT BẰNG SỰ THA THỨ
VÀ LÒNG THƯƠNG XÓT”[1]

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này