Cho Tôi Được Sạch


Thứ 6, 26.06.2020
(Mt 8, 1-4)
Khi Ðức Giêsu ở trên núi xuống, đám đông lũ lượt đi theo Người. Và kìa một người bị phong hủi tiến lại, bái lạy Người và nói: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch.” Người giơ tay đụng vào anh và bảo: “Tôi muốn, anh sạch đi”. Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi. Rồi Ðức Giêsu bảo anh: “Coi chừng, đừng nói với ai cả, nhưng hãy đi trình diện tư tế và dâng của lễ, như ông Môsê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết”.



SUY NIỆM
Trong kiếp nhân sinh, không ai tránh hết được đau khổ, tuy nhiên, khi đối diện với nó, con người khôn ngoan sẽ giải quyết thế nào? Trước những đau khổ, khó khăn, hay những hoàn cảnh tang thương của cuộc sống, ta thường đặt câu hỏi tại sao? Tại sao tôi ra nông nỗi này? Đây có phải là hình phạt của Chúa không? Tôi đã làm gì để bị như thế này?
Trước những đau khổ, nếu ta tiếp tục đặt câu hỏi tại sao, thì ta sẽ rơi vào ngõ cụt, không lối thoát, tự mình làm khổ mình thêm.
Thay vào đó, sao ta không hỏi: “Lạy Chúa, con cần phải làm gì, con cần sống theo ý Ngài như thế nào?”
Lúc đó Chúa sẽ chỉ cách cho ta, Ngài sẽ an ủi, nâng đỡ và cho ta biết ý nghĩa của đau khổ.
Như người bị bệnh phong đầy tin tưởng, thả mình trong tình thương của Chúa, anh kêu lên: “Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch”.
Tại sao ta không thưa với Chúa như vậy khi ta gặp khó khăn. Ngài sẽ lên tiếng, như Ngài trả lời người bệnh phong: “Tôi muốn, anh hãy được sạch”. Đức Giê-su đã chạnh lòng thương và giơ tay đụng vào anh. “Lập tức, anh được sạch bệnh phong hủi.” Chúa mời gọi anh hãy “đi trình diện tư tế và dâng của lễ” để anh không chỉ được chữa lành thể xác, mà đời sống tương quan, sự sống linh hồn của anh cũng được chữa lành.
Chúng ta ai cũng có một thứ bệnh phong thiêng liêng nào đó. Chúng ta hãy đến cùng Chúa, Ngài sẽ cho ta được sạch. Chúa cảm thông với đau khổ của con người, Ngài chữa lành họ bằng cách mang lấy những đau khổ đó vào thân mình Ngài. “Ngài đã mang lấy các tật nguyền của ta và gánh lấy các bệnh hoạn của ta” (Mt 8,17). Để cuối cùng, Ngài mang tất cả đau khổ đó lên thập giá, nơi đó Ngài bị tan nát vì yêu thương ta.
Đau khổ của ta có ý nghĩa khi ta kết hợp với đau khổ của Chúa, và lấy đau khổ đó làm vui vì được thông phần khổ đau với Chúa. Đau khổ trên thập giá biểu lộ tình yêu của Chúa dành cho nhân loại. Ước gì đau khổ của chúng ta cũng là đau khổ của tình yêu, của sự hy sinh, để nhờ tình yêu đó giúp ta sống ý nghĩa hơn, giúp hàn gắn ta với Chúa, với anh chị em mình ngày càng mật thiết hơn.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này