Thứ hai, sau Chúa Nhật XI Thường Niên
“ Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.
Còn Thầy, Thầy nói với anh em:
Đừng chống cự người ác !”
(Mt 5, 38-42)
38 Khi ấy Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng: “Anh em đã nghe Luật dạy rằng: Mắt đền mắt, răng đền răng.
39 Còn Thầy, Thầy bảo anh em: đừng chống cự người ác, trái lại, nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.40 Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.41 Nếu có người bắt anh đi một dặm, thì hãy đi với người ấy hai dặm.
42 Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
1. Đức Ki-tô và Lề Luật
Trường hợp được kể lại trong bài Tin Mừng theo thánh Mát-thêu, là một trong năm minh họa Đức Giê-su đưa ra để giúp chúng ta hiểu cách Ngài hoàn tất lề luật:
Anh em đừng tưởng Thầy đến để bãi bỏ Luật Mô-sê
hoặc lời các ngôn sứ.
Thầy đến không phải là để bãi bỏ,
nhưng là để kiện toàn. (c. 17)
Lề Luật được lập ra, và sau đó, cứ như thế mà tuân giữ. Nhưng, tại sao Lề Luật cần phải được Đức Giê-su hoàn tất? Bởi vì, ai trong chúng ta cũng có kinh nghiệm này: để ngăn chặn sự dữ, dừng lại ở hành vi thôi chưa đủ, dừng lại ở hành vi giết người hay hành vi ngoại tình thôi chưa đủ, bởi vì nguồn gốc của hành vi chính là cõi lòng của con người. Trước khi giết người khác, người ta đã loại bỏ người ấy ở trong lòng của mình rồi; trước khi có hành vi ngoại tình hay nhưng hành vi phạm lỗi khác, người ta đã ham muốn trong lòng rồi.
Vì thế, Đức Giêsu mời gọi chúng ta giữ Lề Luật, không chỉ ở bề ngoài, nghĩa là ở mức độ hành vi có thể quan sát được, nhưng giữ Lề Luật khởi đi từ chốn vô hình không ai thấy được: đó là con tim của chúng ta, là cõi lòng chúng ta, là chốn thâm sâu nhất của chúng ta. Và như thế mới là giữ Lề Luật một cách đích thật, mới là sống Lề Luật trong sự thật, mới là “hoàn tất Lề Luật”.
Do đó, hoàn tất lề luật theo Đức Kitô, không phải là giữ luật thật chặt chẽ hết mức theo chữ viết, nhưng là sống tối đa theo năng động của tình yêu Thiên Chúa, có ở nơi sâu thẳm của chúng ta, vì chúng ta được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, Đấng vốn là Cha hoàn thiện và giàu lòng thương xót của chúng ta ở trên trời.
2. Luật ngang bằng
Trong bài Tin Mừng của Thánh Lễ hôm nay, Đức Giê-su nói về luật ngang bằng, nghĩa là luật “Mắt đền mắt, răng đền răng”.
Khi ấy Đức Giê-su nói với các môn đệ rằng:
“Anh em đã nghe Luật dạy rằng:
Mắt đền mắt, răng đền răng”. (c. 38)
Luật ngang bằng, có biểu tượng là cái cân, không phải là luật báo thù như chúng ta vẫn thường nghĩ, nhưng ngược lại, đó là luật ngăn cản khuynh hướng báo thù. Như chính chúng ta có kinh nghiệm trong thực tế, do khuynh hướng báo thù, người ta luôn muốn đòi người khác bồi hoàn, hay đúng hơn đòi “trả giá”, hơn điều mình bị mất mất hay bị làm thiệt hại. Luật ngăn chặn khuynh hướng chết chóc này bằng cách đưa ra nguyên tắc: “mắt đền mắt, răng đền răng” và chúng ta có thể thêm: “mạng đền mạng”. Nguyên tắc này vẫn là nguyên tắc nền tảng của mọi lề luật và trong mọi lãnh vực; và đôi khi người ta áp dụng nguyên tắc này cho “Luật của Chúa” nữa. Biểu tượng cái cân của Luật Pháp diễn tả điều này.
Vì thế, luật này là một cột mốc quan trọng trong quá trình tiến bộ của xã hội loài người, vì trước đó, người ta tự xử lý nhau một cách vô độ. Tuy nhiên, luật ngang bằng lại nằm ở giữa đường, mà đầu đường bên này là báo thù và đầu đường bên kia là yêu mến tha nhân; nói cách khác, khi sống theo luật này, người ta không hành xử theo năng động báo thù (vì luật cho phép), nhưng người ta cũng chẳng sống theo tình thương, như người ta thường nói: “yêu không ra yêu, ghét không ra ghét”. Chúng ta có thể hình dung ra người đứng trên tấn ván, ở dưới là con lăn và tình trạng này không thể kéo dài vô hạn. Hình ảnh này diễn tả thật đúng về vị trí của Lề Luật ở giữa Tình Yêu và Sự Dữ: nếu người giữ Lề Luật không hướng hẳn về Tình Yêu, không sớm thì muộn, sẽ bị lôi kéo nghiêng về Sự Dữ ![1]
Vì thế, luật ngang bằng không thể loại bỏ ý muốn báo thù vốn có ở trong lòng con người. Chẳng hạn, người bị hại nại vào luật để đòi bồi thường, thường hay có ý muốn ngấm ngầm rằng, người làm hại mình phải bồi thường “đích đáng”. Do đó, luật ngang bằng rốt cuộc chỉ là cái đê mong manh ngăn cản sức mạnh kinh hồn của lòng báo thù.
3. Sống theo năng động Sự Thiện
Qua những ví dụ, thay vì dựa vào Lề Luật hay lí lẽ sòng phẳng để bắt bồi thường, bởi vì nếu đòi bồi thường, sự hận thù sẽ có cơ hội len lỏi vào lòng con người, Đức Giêsu mời gọi chúng ta chọn hẳn một chuyển động khác, không kém mạnh mẽ, như chính Ngài sẽ sống đến cùng trong cuộc Thương Khó, đó là lựa chọn sống triệt để và đến cùng năng động của Sự Thiện, vốn có trong tâm khảm của con người, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Năng động của Sự Thiện được diễn tả ngang qua việc thực hiện hơn cả điều người khác muốn, được Đức Giê-su diễn tả ngang qua các ví dụ:
- Đừng chống lại kẻ dữ.
- Nếu bị ai vả má bên phải, thì hãy giơ cả má bên trái ra nữa.
- Nếu ai muốn kiện anh để lấy áo trong của anh, thì hãy để cho nó lấy cả áo ngoài.
- Ai xin, thì hãy cho; ai muốn vay mượn, thì đừng ngoảnh mặt đi.
Khởi đi từ lề luật áp dụng cho kẻ dữ “mắt đền mắt, răng đền răng”, những minh họa của Đức Giê-su cũng khởi đi từ kẻ dữ “đừng chống lại kẻ dữ” nhưng đi xa đến tận người xin hay vay mượn: “Ai xin thì hãy cho!” Như thế, lời của Đức Giê-su không diễn tả một luật mới đối lại với luật ngang bằng “mắt đền mắt, răng đền răng”, nhưng diễn tả một năng động không nại đến lề luật hay lí lẽ sòng phẳng, khởi đi từ sự thiện và hướng tối đa đến sự thiện. Và đó là cách vừa hoàn tất lề luật, vừa đánh bại sự dữ hiện diện nơi người khác và nơi chính chúng ta nữa.
Đức Giê-su mời gọi chúng ta sống theo, có thể nói, sự điên rồ của tình yêu. Bởi vì, sức mạnh của sự dữ không thể bị chặn đứng bởi Lề Luật, và nếu có thì chỉ là tạm thời mà thôi, nhưng chỉ bị chặn đứng và bị đánh bại bởi một sức mạnh khác, đó là sức mạnh tình yêu. Và nhất là khi sống như thế, chúng ta mới sống đúng căn tính của mình là hình ảnh của Thiên Chúa, là con Thiên Chúa, như Đức Giê-su Ki-tô.
Những lời này của Đức Giê-su, tuy khó áp dụng, nhưng có sức mạnh khơi dậy lòng ước ao sống theo tình yêu nhưng không và nhất là mang lại cho chúng ta sự an ủi và niềm hi vọng; bởi vì nếu, Đức Ki-tô mời gọi chúng ta không ứng xử với nhau theo Lề Luật, đó là vì Thiên Chúa, Cha của Người và cũng là Cha của chúng ta, không ứng xử với chúng ta theo Lề Luật. Và niềm tin có sức mạnh cứu độ này dựa vào nền tảng vững chắc là mầu nhiệm Thương Khó của Đức Giê-su Ki-tô Chúa chúng ta.
Nhận xét
Đăng nhận xét