Thứ Sáu sau CN IX TN
“Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi”
(Mc 12, 35-37)
(Mc 12, 35-37)
35 Khi giảng dạy trong Đền Thờ, Đức Giê-su lên tiếng hỏi: “Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?36 Chính vua Đa-vít được Thánh Thần soi sáng đã nói:
Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi: bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị, để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con.
37 Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? ” Đám người đông đảo nghe Đức Giê-su cách thích thú.
1. Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít?
Trong các bài Tin Mừng của những ngày vừa qua, thánh sử Mác-cô kể lại những nhóm người khác nhau (Pha-ri-sêu, Hê-rô-đê, Xa-đốc và kinh sư) thay phiên nhau đến chất vấn Đức Giê-su về những vấn đề thuộc bình diện xã hội (đóng thuế), niềm tin (sự sống lại) và về các điều răn (điều răn đứng đầu). Họ đặt câu hỏi không phải để đi tìm ánh sáng Chân Lý, nhưng là để « Người phải lỡ lời mà mắc bẫy ! » (c. 13).
Nhưng Đức Giê-su dùng chính ý muốn làm hại Người, như trong cuộc Thương Khó, để bày tỏ sự khôn ngoan thần linh của người, đến độ « họ hết sức ngạc nhiên về Người » (c. 17), một trong các kinh sư « thấy Đức Giê-su đối đáp hay» (c. 28), và sau cùng « không ai dám chất vấn Người nữa! » (c. 34).
Và trong bài Tin Mừng theo thánh Mác-cô hôm nay, ngang qua đám đông (x. Mc 12, 37), những người Pha-ri-sêu (x. Mt 22, 41), các kinh sư (x. Lc 20, 39-41), đến lượt Đức Giê-su, chính Người chất vấn những người đã đến chất vấn Người, về chính căn tính của Đấng Ki-tô, nghĩa là của chính Người, khởi đi từ niềm tin của người Do thái và lời Kinh Thánh :
Sao các kinh sư lại nói Đấng Ki-tô là con vua Đa-vít? (c. 35)
Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? (c. 37)
Xin cho chúng ta biết đi tìm lời giải đáp cho mọi vấn đề của loài người và của từng người chúng ta nơi Đức Giê-su Na-da-rét, là « Đấng Ki-tô » và là Con Thiên Chúa hằng sống.
2. Lời nguyện Thánh Vịnh
Sách Thánh Vịnh là tập sách gồm 150 Thánh Vịnh, được biên soạn bằng tiếng Do thái và làm thành một trong các sách quan trọng của phần Cựu Ước (x. Lc 24, 44). Ai là tác giả của các Thánh Vịnh? Xưa kia người ta có thể trả lời : « đó là vua Đavít », bởi vì dân tộc Israel, kể cả những người của Tân Ước đã gán các Thánh Vịnh cho Đavít. Tuy nhiên, khoa chú giải Kinh Thánh hiện đại cho chúng ta biết rằng việc gán tên này chỉ có gía trị biểu tượng: danh xưng « Đavít » là dấu chỉ mà ở đó cả Israel đã nhận ra mình, nó tập hợp tất các thi nhân vô danh đã viết các Thánh Vịnh[1]. Trên bình diện lịch sử biên soạn, các nhà chuyên môn nhìn nhận có một “hạt nhân” cổ xưa từ thời vua Đavít (từ năm 1000), sau đó các Thánh Vịnh khác được biên soạn từ từ dọc theo suốt dòng lịch sử Israel cho đến tận thế kỷ II trước công nguyên[2].
Điều này làm cho hình ảnh của sách Thánh Vịnh thêm đẹp hơn, vì giống với các thánh đường cổ xưa, vốn mang dấu vết của nhiều giai đoạn lịch sử, đến độ có thể thâu tóm cả chiều dài lịch sử. Như thế, lời nguyện Thánh Vịnh, vốn cũng là Lời Chúa, có tầm mức lịch sử cứu độ hướng đến Đức Ki-tô và được Đức Ki-tô hoàn tất ; tương tự như hình ảnh « Vua Đa-vít », vua Đa-vít hướng tới Đức Ki-tô, Đấng vừa là con vua Đa-vít và vừa là Con Thiên Chúa (x. Lc 1, 30-33).
Trong sách Thánh Vịnh có nhiều lời nguyện diễn tả niềm hi vọng về Đấng Ki-tô sẽ đến (Tv 2 ; 21 ; 45 ; 72 ; 89 ; 101), đặc biệt là Tv 110 (109), vốn là Thánh Vịnh mà Giáo Hội cho chúng ta đọc vào giờ Kinh Chiều II của tất cả Chúa Nhật :
Đức Chúa phán cùng Chúa Thượng tôi:
bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. (Tv 110, 1)
bên hữu Cha đây, Con lên ngự trị,
để rồi bao địch thù, Cha sẽ đặt dưới chân Con. (Tv 110, 1)
Người Do thái mong chờ một Đấng Ki-tô xuất thân từ dòng dõi vua Đa-vít và họ hi vọng « con vua Đa-vít » sẽ tái lập vương triều vua Đa-vít thuộc bình diện xã hội và chính trị. Để giúp người nghe, người Do thái xưa kia và mọi người thuộc mọi thời, trong đó có chúng ta hôm nay, hiểu đúng về tước hiệu và sứ mạng của « Đấng Ki-tô Con vua Đa-vít », Đức Giê-su dựa vào chính niềm tin lời nguyện Thánh Vịnh là lời nguyện của vua vua Đa-vít, và đặt câu hỏi : « Chính vua Đa-vít gọi Đấng Ki-tô là Chúa Thượng, thì Đấng Ki-tô lại là con vua ấy thế nào được? » (c. 37).
Theo Đức Giê-su, Đấng Ki-tô không chỉ là con vua Đa-vít, nhưng một cách nghịch lý còn là « Chúa Thượng » của vua Đa-vít, nghĩa là còn là Con Thiên Chúa, và vì thế Vương Triều của Người không thuộc về thế gian này (x. Ga 18, 36)
3. Đức Giê-su Nazarét : Con vua Đa-vít và là Đức Ki-tô Con Thiên Chúa
Câu hỏi của Đức Giê-su chỉ có thể tìm được câu trả lời nơi chính ngôi vị của Người và kinh nghiệm đích thân gặp gỡ và đi theo Người, như Người hỏi các môn đệ : « Còn anh em, anh em nói Thầy là ai ? (Mc 8, 29).
Nhưng để hiểu Đức Giê-su Ki-tô, chúng ta nên bắt đầu từ đâu và giai đoạn nào ? Cũng tương tự như tìm hiểu một người, chúng ta phải trở về « nguồn gốc » của Ngài. Nói về nguồn gốc, chúng ta nghĩ ngay đến hành trình từ trời xuống thế, nghĩa là nguồn gốc theo chiều dọc, như chúng ta tuyên xưng trong kinh Tin Kính : « Người đã từ trời xuống thế ». Nhưng các Tin Mừng trình bày cho chúng ta một nguồn gốc khác, theo chiều ngang, đó là bản gia phả, hay nguồn gốc của Đức Ki-tô, vì Ngài cũng là Con của Con Người, như sau này Ngài thích tự xưng như thế, và nhất là Ngài có sứ mạng « mang lấy các bệnh hoạn tật nguyền » của loài người và của từng người chúng ta.
Đức Giê-su Ki-tô vừa có nguồn gốc trực tiếp từ Thiên Chúa, vừa có nguồn gốc từ một dân tộc như chúng ta, và vừa có cùng nguồn gốc với chúng ta. Giống như mỗi người chúng ta : vừa thuộc về một dân tộc, vừa thuộc về loài người, được Thiên Chúa tạo dựng. Tại sao Đức Ki-tô có hai nguồn gốc ? Đó là để mang lấy « mọi bệnh hoạn tật nguyền của ta », cho ý nghĩa và dẫn tới hoàn tất, với tư cách – và chỉ có thể với tư cách này – là Ngôi Lời Thiên Chúa, được sinh ra từ thủa đời đời.
Xin cho lòng chúng ta được bừng cháy, như hai môn đệ trên đường Emmau (x. Lc 24, 32), khi được ơn hiểu biết căn tính thần linh của Đức Giê-su Ki-tô, và khi nhận ra trong Mầu Nhiệm Vượt Qua, Người mang lấy và làm cho hoàn tất mọi sự liên quan đến thân phận và lịch sử loài người, trong đó có từng người chúng ta hôm nay.
Nhận xét
Đăng nhận xét