Lễ Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô – năm A

“Ai ăn thịt và uống máu tôi,
thì được sống muôn đời”

(Ga 6, 51-58)

“Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. Và bánh tôi sẽ ban tặng, chính là thịt tôi đây, để cho thế gian được sống.”

52 Người Do-thái liền tranh luận sôi nổi với nhau. Họ nói: “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ta được? “53 Đức Giê-su nói với họ: “Thật, tôi bảo thật các ông: nếu các ông không ăn thịt và uống máu Con Người, các ông không có sự sống nơi mình. 54 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết, 55 vì thịt tôi thật là của ăn, và máu tôi thật là của uống. 56 Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy.

57 Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. 58 Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời.”


1. Lương thực hằng ngày

Đoạn Tin Mừng theo thánh Gio-an khá dài về bánh hằng sống, mà Giáo Hội đã cho chúng ta nghe trong Mùa Phục Sinh, và cho chúng ta nghe lại một phần trong Thánh Lễ tôn kính Mình và Máu Thánh Chúa hôm nay, mở đầu và kết thúc với ơn huệ Man-na:

Tổ tiên chúng tôi đã ăn man-na trong sa mạc, như có lời chép: Người đã cho họ ăn bánh bởi trời. (c. 31)

Đây là bánh từ trời xuống, không phải như bánh (man-na) tổ tiên các ông đã ăn, và họ đã chết. Ai ăn bánh này, sẽ được sống muôn đời. (c. 58)

Ơn huệ mana nhắc nhớ ơn huệ lương thực hàng ngày, như chúng ta vẫn xin và Chúa vẫn ban mỗi ngày với lời kinh Lạy Cha: “Lạy Cha, xin cho chúng con lương thực hành ngày”.

Vậy khi đón nhận ơn huệ lương thực hằng ngày, xin Đức Ki-tô Phục Sinh khơi dậy lòng khát khao lương thực mang lại sự sống đời đời nơi tâm hồn chúng ta, để chúng ta có thể bình tâm với mọi đối tượng liên quan đến nhu cầu của cuộc đời này; và xin Chúa cũng cho chúng ta cảm nhận được sự sống mới và muôn đời ngay trong sự sống chóng qua này chúng ta, khi ăn và uống lương thực từ trời xuống, là chính Mình và Máu Thánh Đức Ki-tô.

 2. Lương thực trường sinh: “Ai ăn thịt tôi…”

Lời nói của Đức Giê-su về Bánh Hằng Sống, lời nói và cử chỉ của Đức Giê-su trong bữa tiệc li không chỉ thân thương, nhưng còn rất quen thuộc đối với chúng ta, bởi vì Ngài mời chúng ta ăn và mời chúng ta uống: “Ai ăn thịt và uống máu tôi” (c. 56),“Tất cả các con hãy nhận lấy mà ăn…”, “Tất cả các con hãy nhận lấy mà uống…”.

Bữa tiệc Thánh Thể và Thánh Lễ hằng ngày làm chúng ta trước hết nhớ đến những bữa ăn hằng ngày của chúng ta; và chúng ta phải ăn uống hằng ngày, bởi vì đồ ăn và đồ uống làm cho chúng ta sống.

  • Tuy nhiên, con người không thể ăn bánh ăn mà lại, ngang qua nhu cầu rất căn bản này, không ước ao sự hiện diện, không hướng tới sự hiện diện. Chúng ta vẫn nói: “rượu ngon, phải có bạn hiền”. Ngang qua việc đón nhận lương thực hàng ngày, con người chúng ta còn ước ao sự hiện diện nhân linh (nhân linh nghĩa là điều thuộc riêng con người, điều thuộc về nhân tính); và không chỉ sự hiện diện nhân linh, mà còn sự hiện diện thần linh nữa (ước ao trọn vẹn thay vì dở giang, tuyệt đối/tương đối, mãi mãi/mau qua).
  • Ngoài ra, ngang qua bữa ăn hằng ngày, con người còn ước mơ có được “thần lương” làm cho mình sống mãi. Ước ao lương thực làm cho chúng ta sống mãi diễn tả ước ao chính Thiên Chúa, vì chỉ Thiên Chúa mới làm cho chúng ta sống mãi. Đó là bởi vì con người được dựng nên theo hình ảnh Thiên Chúa, nên không thể không ước ao Thiên Chúa, dù ý thức hay không ý thức. Khi tạo dựng con người, Thiên Chúa gieo vào nơi sâu thẳm của con người lòng ước ao. Ngài làm thế, chính là để làm thỏa mãn; Thiên Chúa làm thỏa mãn ước ao của con người nơi Đức Giêsu Kitô. Chúng ta thử tưởng tượng: một quà tặng cho một người hoàn toàn không có ước ao gì hay khao khát nào, thì chẳng có ý nghĩa gì, và không thể tạo ra niềm vui. Lòng ước ao nơi con người là một khoảng trống mà chỉ có Thiên Chúa mới lấp đầy được thôi.

Chính Đức Giêsu vừa là Tấm Bánh diễn tả sự hiện diện trọn vẹn của Người, và vừa là Tấm Bánh mang lại sự sống mạnh hơn sự chết.

Bánh Giê-su không phải là thức ăn làm cho chúng ta “cải lão hoàn đồng” hay làm cho chúng ta “trường sinh bất tử”, nhưng là chính Đức Giêsu, là ngôi vị và sự sống của Đức Giêsu. Qua hành vi “ăn” mình Đức Giêsu và “uống” máu Đức Giêsu, chúng ta được mời gọi đi đến với Ngài và tin vào Ngài, nghĩa là đón nhận Ngài vào trong cuộc đời của chúng ta, để Ngài trở thành xương thành thịt, thành sự sống của chúng ta. Đức Giêsu ước ao trở thành lương thực cho chúng ta, nghĩa là muốn trở nên một với chúng ta.

  • Giống như tấm bánh hay chén cơm hằng ngày được chúng ta đón nhận như ân huệ, được ăn, được nghiền nát, được hòa tan để trở thành sự sống cho chúng ta; Đức Giêsu cũng muốn trở thành lương thực để mang lại sự sống cho chúng ta.
  • Giống như khi chúng ta đến dùng bữa do người thân, người bạn hay người yêu thiết đãi; khi dùng của ăn và của uống mà người thân yêu chuẩn bị và dọn ra mời chúng ta; chúng ta được mời gọi thưởng thức chính tình thương, tình bạn và tình yêu mà người kia dành cho chúng ta; Đức Giêsu cũng muốn chúng ta thưởng thức tình yêu đến cùng của Ngài dành cho chúng ta khi đón nhận mình và máu của Ngài.
  • Và cũng giống như sự sống thể lí của chúng ta tùy thuộc vào những gì chúng ta ăn, và những gì chúng ta uống; sự sống nhân linh của chúng ta, nghĩa là tương quan của chúng ta với mọi người và với chính bản thân chúng ta, cũng tùy thuộc vào của ăn và của uống đặc biệt, là chính

MÌNH và MÁU ĐỨC KITÔ.

*  *  *

Nhưng tại sao lại là rượu? Tại sao Người dùng rượu để diễn tả máu? Rượu là biểu tượng của niềm vui trong truyền thống tôn giáo của người Do Thái. Chính vì thế, rượu là đồ uống tiêu biểu của Lễ Vượt Qua; hơn nữa rượu còn diễn tả ơn huệ sáng tạo và lịch sử cứu độ, vì là “sản phẩm của cây nho và công lao của con người”, tương tự như bánh. Cùng mang ý nghĩa niềm vui, rượu được dùng trong trong tiệc cưới, chẳng hạn tiệc cưới Cana; rượu là sản phẩm tiêu biểu của vườn nho, vốn là hình ảnh của những gì Thiên Chúa ban (sáng tạo, sự sống, cuộc đời, “nén bạc”, sứ vụ…). Vậy tại sao, Đức Ki-tô lại dùng biểu tượng của niềm vui để diễn tả “máu đổ ra”, nghĩa là sự chết của chính Người? Bởi vì, máu của Người mang lại cho chúng ta niềm vui: tha tội, hòa giải, chữa lành, giải thoát, phục hồi tái sinh.

 3. Đức Giê-su “sống nhờ” Chúa Cha (c. 57-58)

Và để giúp chúng ta hiểu “ăn thịt và uống máu Người” có nghĩa là gì, Đức Giê-su mời gọi chúng ta chiêm ngắm tương quan thiết thân của Người với Chúa Cha:

Như Chúa Cha là Đấng hằng sống đã sai tôi, và tôi sống nhờ Chúa Cha thế nào, thì kẻ ăn tôi, cũng sẽ nhờ tôi mà được sống như vậy. (c. 57)

Ăn uống lương thực nào, thì chúng ta sẽ sống nhờ lương thực đó; hay nói ngược lại, chúng ta sống nhờ lương thực nào, thì có nghĩa là chúng ta “ăn uống” lương thực đó. Vì thế, Đức Giê-su cũng “ăn uống” Chúa Cha, trong mức độ Người sống nhờ Chúa Cha. Vậy chúng hãy chiêm ngắm cuộc đời của Người, từ lúc sinh ra cho đến lúc Người chết và phục sinh, để nhận ra Người “sống nhờ” Chúa Cha như thế nào.

Cách Đức Giê-su sống nhờ Chúa Cha, nghĩa là đón nhận và sống sự sống của mình không phải từ chính mình, nhưng từ tình yêu và ý muốn của Chúa Cha, với tư cách là người Con Thảo, đó là khuôn mẫu của cách chúng ta đón nhận ơn huệ “sống nhờ” Người, với Người và trong Người, ngang qua Bí Tích Thánh Thể, được hoàn tất nơi mầu nhiệm Vượt Qua. Nhưng cách Người sống nhờ Chúa Cha không chỉ là khuôn mẫu, nhưng còn nguồn sống của chúng ta, như Người nói:

Chúa Cha đã yêu mến Thầy thế nào,
Thầy cũng yêu mến anh em như vậy. 
(15, 9)

Tình thương được thông truyền và thông truyền cách trọn vẹn: “thế nào… như vậy”, vì đó là bản chất của tình thương, từ Cha sang Con và từ Con sang anh em của Con. Chúng hãy xin được hiểu và cảm nếm tình yêu Đức Giê-su dành cho chúng ta, vì đó cũng chính là tình yêu của Thiên Chúa Cha dành cho Đức Giê-su: vừa thiết thân và gần gũi, nhưng cũng vừa lạ lùng và khôn dò như tấm Bánh Hằng Sống.


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này