Chúa nhật XX Thường niên năm A
Hình mẫu đức tin nơi một thiếu phụ ngoại giáo
Ngạn ngữ phương Tây có viết : “Trên đời này, không có kỳ quan nào cao cả và vĩ đại cho bằng trái tim của người mẹ”. Người đàn bà xứ Canaan trong câu truyện Tin Mừng hôm nay đã đến gặp Chúa Giêsu, mang theo mình một tình mẫu tử bao la và mãnh liệt. Tình yêu cao cả ấy đã rung lên những giai điệu bi thương trước căn bệnh hiểm nghèo của đứa con gái. Trái tim của một người mẹ đang đau khổ là khởi đầu của cuộc hành trình đức tin nơi bà, và cuối cùng phép lạ đã xảy ra. Trước khi bày tỏ quyền năng chữa lành, Chúa Giêsu đã nói với người phụ nữ : “Này bà, lòng tin của bà mạnh thật, bà muốn thế nào sẽ được như vậy”. (Mt 15,28).
Khởi từ ánh mắt thân thương của Chúa Giêsu
Thánh Augustinô trong tác phẩm ‘Confessio’ đã kể lại một giai thoại gồm hai nhân vật : Ngài và người trộm lành. Ngài hỏi ông thánh ăn trộm : “Thưa ông, ông chưa từng được rửa tội, chưa từng đọc Kinh thánh, chưa lần nào đi vào các hội đường để cầu nguyện và cũng chưa bao giờ gặp Đức Giêsu. Vậy tại sao khi bị đóng đinh trên thập giá, ông nhận ra Đức Giêsu và tín thác vào Ngài ?”. Người trộm trả lời : “Đúng vậy, trước đây tôi chưa hề biết ông Giêsu là ai, càng không phải là môn đệ của Ngài. Qúa khứ của tôi đan kín tội ác vì tôi chỉ là một tay trộm cắp chuyên nghiệp và đã bị kết án như một tên tội phạm đốn mạt. Nhưng trên thập giá, tôi đã nhìn vào ánh mắt của Đức Giêsu. Từ đôi mắt ấy, tôi đã khám phá ra cả một bầu trời lồng lộng đầy ắp yêu thương và tôi hoàn toàn tín thác vào Chúa. Đó là khởi điểm của cuộc hành trình đức tin nơi tôi”.
Tương tự như thế, người phụ nữ ngoại đạo xứ Canaan đã đến với Chúa Giêsu. Từ ánh mắt yêu thương của Chúa, bà cũng khám phá ra cả một bầu trời tình yêu sâu thẳm, khởi dẫn đến đức tin. Chắc chắn bà ta chưa từng được rửa tội, chưa bao giờ bước chân đến nhà thờ, cũng chẳng thuộc bất cứ một câu kinh nào. Nhưng người phụ nữ này đã có một đức tin rất mạnh mẽ khi biết trải lòng mình ra và tín thác tuyệt đối vào lòng thương xót của Chúa. Đức tin của bà được Chúa Giêsu khen gợi, trở thành chuẩn mẫu cho các tông đồ năm xưa cũng như cho mọi người chúng ta ngày hôm nay.
Đức tin vượt qua thử thách
Đức tin là một quà tặng vô giá mà Thiên Chúa trao ban. Đó không phải là kết quả của những suy tư triết học hay của những lý luận logic nơi đầu óc con người. Tuy nhiên, đức tin không phải chiếm được một lần là xong. Nó còn phải được mài dũa, được nuôi dưỡng, nhất là cần phải được kiện cường qua những thử thách. Điều này đã thể hiện rất rõ nét nơi lộ trình đức tin của người phụ nữ xứ Canaan.
Thử thách đầu tiên đến với bà là sự thinh lặng từ nơi Chúa Giêsu. ‘Người không đáp lại lời nào’ (c. 23). Sự thinh lặng của Chúa dường như rất khó hiểu. Trong cuốn sách ‘Lạy Chúa, tại sao Ngài thinh lặng’ Cha Giuse Đinh thanh Bình, SDB cũng diễn tả tâm trạng này khi Chúa gửi đến cho Ngài những thánh giá khá nặng nề trong cuộc sống. Suốt 2000 năm qua trên Thập giá, Chúa vẫn mãi im lặng, không nói một lời, không đáp lại một câu. Đầu Ngài vẫn cúi xuống, đôi mắt vẫn nhắm nghiền và đôi tay vẫn còn luôn giang rộng. Nhưng sự im lặng triền miên ấy là một loại hình ngôn ngữ rất phong phú diễn bày tình yêu của một con người đã dám hy sinh mạng sống cho người mình yêu, là chính chúng ta.
Thử thách thứ hai, là câu trả lời mà mới thoạt nghe, chúng ta cảm thấy khá phũ phàng : “Thầy chỉ được sai đến với những con chiên lạc nhà Israel (c.24). Nếu được đáp trả như thế, có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ tự ái và bỏ về, nhưng người phụ nữ kia thì không. Bà đã can đảm và kiên trì vượt thắng tất cả. Bà đã dẹp được tính tự ái và vẫn kiên trì đeo bám Chúa Giêsu. Bà ta quả là rất ‘lỳ đòn’. Bị các tông đồ xua đuổi, bị Chúa Giêsu ‘làm lơ’ không ngó ngàng tới, và còn bị Chúa phán một câu như tạt một gáo nước lạnh vào mặt, người phụ nữ vẫn nhất quyết không bỏ cuộc.
Thử thách cuối cùng, Chúa Giêsu đã nói một cách thẳng thừng : “Không nên lấy bánh của con cái mà ném cho chó”. Đây là đỉnh điểm của những thử thách mà bà đã trải qua. Có lẽ nhiều người nghĩ rằng tại sao Chúa Giêsu lại nói một câu xem ra phi nhân bản đến như vậy. Dầu sao bà ta cũng là con người, chứ sao lại so sánh bà như một con chó. Chúng ta đừng vội nghĩ một cách thiển cận như thế, khi chưa đào sâu ý nghĩa thần học mà các trình thuật Tin Mừng muốn lột tả. Chúa kéo dài những thử thách để tôi luyện đức tin nơi một phụ nữ yếu ớt. Trong thời cựu ước, Đức Chúa Giavê cũng đã giáo dục đức tin và huấn luyện dân Ngài qua những thử thách suốt 40 năm trường trong sa mạc. Cuộc lữ hành đức tin hôm nay của chúng ta cũng đầy những thử thách như vậy. Thánh Giacôbê đã viết : “Anh em hãy tự cho mình là được chan chứa niềm vui khi gặp thử thách trăm chiều. Vì như anh em biết, đức tin có vượt qua thử thách mới sinh ra lòng kiên nhẫn. Anh em hãy chứng tỏ lòng kiên nhẫn đó ra bằng những việc hoàn hảo”. (Gc 1,2-4).
Mô hình đức tin
Người phụ nữ Canaan đã trải qua 3 giai đoạn thử thách. Đáp lại, lộ trình đức tin của bà ngày càng được kiện cường qua 3 lần bày tỏ đức tin. Thoạt đầu, bà nhìn vào Đức Giêsu chỉ như một người bình thường nhưng có lòng nhân ái. Vì thế bà mở miệng kêu xin “Lạy Ngài là con vua Đavit, xin dủ lòng thương tôi”. Mọi người Israel đều là con, là cháu, là hậu duệ của vua Đavit. Người phụ nữ ban đầu chỉ nhìn vào Đức Giêsu một cách giản đơn như thế. Đến giai đoạn hai, khi bà bị các môn đệ xua đuổi và chính Chúa Giêsu trả lời thẳng thừng : “Thầy chỉ được sai đến với các con chiên lạc nhà Israel”, người phụ nữ đã tiến lại phủ phục trước Chúa Giêsu và tiếp tục khẩn nài lòng thương xót từ nơi Ngài. Theo truyền thống Do Thái, hành vi phủ phục chỉ dành để bày tỏ sự kính cẩn đối với các ngôn sứ, những vị sứ giả của Thiên Chúa. Lộ trình đức tin nơi người phụ nữ đã tăng triển. Đến giai đoạn cuối cùng, khi Chúa Giêsu nói một cách đanh thép là đừng nên lấy bánh của con cái mà vất cho chó, người phụ nữ đã hạ mình xuống thật sâu, tự sánh mình như lũ chó con cũng được hưởng ‘sái’ những mẩu bánh vụn còn dư thừa. Bà đã đi sâu vào sự khiêm tốn khi đối diện trước Đấng Toàn năng, và tôn nhận Đức Giêsu là Con Thiên Chúa.
Nếu cường độ của những thử thách ngày càng gia tăng, thì đức tin nơi người phụ nữ Canaan cũng ngày càng tiến triển. Lộ trình đức tin đó là chuẩn mẫu cho mỗi người chúng ta.
Trong bài đọc 1, ngôn sứ Isaia đã viết : “Ta sẽ dẫn những người ngoại bang lên núi thánh của Ta”. Hình ảnh ‘người ngoại bang’ được lập lại nơi người phụ nữ Canaan mà thánh sử Matthêu trình thuật trong Tin Mừng hôm nay. Bà đã hiển thị đức tin, và tín thác tuyệt đối vào tình yêu của Thiên Chúa. Còn chúng ta là những tín hữu, những người nhà, những người đạo gốc và đã được rửa tội từ lâu, chúng ta đã hiển thị đức tin một cách cụ thể như thế nào?
Nhận xét
Đăng nhận xét