Lc7_11-17.jpg


Kiên nhẫn và kiên nhẫn


27 tháng Tám, Thứ Năm, Thánh Mônica (Hc 26, 1-4. 16-21; Lc 7, 11-17)

Lượt lại một chút  về hoàn cảnh cuộc đời thánh Monica. Chính vì hoàn cảnh mà Monica gặp phải nên đã có thể biến ngài thành một người vợ hay cằn nhằn, một nàng dâu chua chát và một người mẹ tuyệt vọng, tuy nhiên ngài đã không chịu thua bất cứ cám dỗ nào. Khi còn nhỏ, bé Monica đã có lần lẻn vào hầm rượu uống lén rượu. Người  đầy tớ gái trong cơn bực bội đã gọi cô là “đồ say rượu”. Từ đó cô quyết sống tự trọng và bền tâm tập luyện nhân đức.

 

Mặc dù cô là một Kitô hữu, cha mẹ cô đã gả cô cho một người ngoại giáo, ông Patricius, là người sống cùng tỉnh Tagaste ở Bắc Phi châu. Patricius là người tốt nhưng ông vô cùng nóng nảy và phóng túng. Ngoài ra thánh Monica còn phải chịu đựng bà mẹ chồng hay gắt gỏng. Ông Patricius thường rầy la vợ vì bà hay thương người và đạo đức.

 

Thế nhưng rồi ông Patricius, chồng bà, cũng hết sức cộng tác cùng bà trong việc dạy dỗ các con cái. Sự cầu nguyện và gương mẫu đời sống của thánh Monica sau cùng đã chinh phục được người chồng cũng như mẹ chồng, ngài đã đưa họ trở về với đức tin Kitô Giáo. Bà cũng thường khuyên bảo các phụ nữ hai điều cần thiết để giữ gìn bình an trong gia đình: Một là luôn nhớ đến lời giao ước hôn nhân mình đã đảm nhận, hai là biết thinh lặng khi chồng nổi nóng. Ông Patricius chết năm 371, sau khi chịu rửa tội được một năm.

 

Thánh nữ Monica là một phụ nữ giàu những năng lực nội tâm, được khơi dậy một cách mãnh liệt bởi một đức tin sâu xa, nhưng không phải không kinh qua những thử luyện. Bà ít nhất có ba người con  vượt qua được ngưỡng cửa ấu nhi. Người con cả, Augustinô Hippo, nổi tiếng nhất (sau này là thánh). Cha và Mẹ Augustinô đều nhất trí cho con học lớp tòng đạo. Nhưng có lẽ các ngài còn chưa dứt khoát lo cho con được rửa tội ngay. Vào lúc cha chết, Augustinô mới 17 tuổi và là sinh viên trường hùng biện ở Carthage.

 

Thánh Monica thật đau buồn khi thấy con mình trong thời học đạo, đã đi theo tà thuyết Manikê và sống cuộc đời phóng đãng, dan díu với một cô gái và không trung thành với thời kỳ học tòng đạo của mình. Bà đã mạnh mẽ từ chối không cho con được tiếp tục sống trong nhà mình vì sự phản bội đó. Cho tới khi, trong một đêm kia, ngài được thị kiến và được đảm bảo là Augustinô sẽ trở về với đức tin. Từ đó trở đi ngài quyết sống gần con, ăn chay và cầu nguyện cho con.

 

Khi 29 tuổi, Augustinô quyết định đi Rôma để dạy văn chương và thuật hùng biện. Một tối kia, Augustinô nói với mẹ là anh ra bến tàu để từ giã bạn bè. Nhưng, anh lại lên tàu đi Rôma. Thánh Monica thật đau lòng khi biết mình bị lừa, nhưng ngài nhất định đi theo. Vừa đến Rôma thì ngài lại biết là Augustinô đã đi Milan. Mặc dù việc di chuyển khó khăn, thánh Monica vẫn nhất định bám sát con tới tận Milan.

 

Ở đây, Augustinô chịu ảnh hưởng bởi một Giám mục, Ðức cánh Monica. Bà Monica chấp nhận lời hướng dẫn của Đức Giám mục trong mọi chuyện và có lòng khiêm nhường từ bỏ các thực hành đạo đức thân quen đã trở thành bản tính thứ hai của bà (xem đoạn trích ở dưới). Bà trở thành người lãnh đạo của nhóm phụ nữ đạo đức ở Milan cũng như khi ở Tagaste.

 

Bà tiếp tục cầu nguyện cho Augustinô trong những năm anh dạy học. Vào lễ Phục sinh năm 387, Ðức cha Ambrôsiô rửa tội cho Augustinô và một vài người bạn của anh. Tất cả bọn họ họp thành một nhóm bạn hữu hết sức yêu thương giúp đỡ nhau để sống đạo. Thánh nữ Monica cũng tỏ ra là một người mẹ khôn ngoan, có một ảnh hưởng tốt đối với nhóm. Kinh qua nhóm đó, Augustinô đã có được một kinh nghiệm sống cộng đoàn mà ngài thật sự quí chuộng.

 

Augustinô và các bạn mình một hôm thảo luận với nhau xem điều gì đem lại cho con người hạnh phúc. Thình lình mẹ Monica tới và tham gia vào cuộc thảo luận. Mẹ đã bộc lộ rõ tất cả chiều sâu tâm linh của mình. Khi cả nhóm nhất trí rằng để được hạnh phúc, thì con người buộc phải có được điều mình ước muốn. Mẹ Monica liền nêu lên một sự phân biệt quan trọng: “Nếu người ấy ước ao có được những điều tốt lành, thì người ấy mới hạnh phúc; còn nếu người ấy chỉ ước ao điều xấu, thì dù họ có được bất cứ điều gì họ ước muốn, nhưng họ vẫn chỉ là con người khốn khổ, đáng thương. Augustinô lập tức công nhận mẹ mình là một triết gia  bậc thầy, và ví mẹ với triết gia Cicerô! Không lâu sau đó, cả nhóm đi Phi châu.

 

Dù không ai để ý tới, nhưng thánh Monica biết cuộc đời ngài sắp chấm dứt, ngài nói với Augustinô, “Con ơi, không có gì trên trần gian này làm mẹ vui lòng cả. Mẹ không biết còn có gì mẹ phải làm tại đây không hay tại sao mẹ còn phải ở lại đây nữa, vì mọi điều mẹ trông đợi ở trần gian này đều đã được hoàn tất?” Sau đó không lâu ngài bị bệnh và chịu đau đớn ghê gớm trong chín ngày trước khi từ trần.

 

Ngoài thánh Augustinô ra, chúng ta thấy bà còn một người con trai tên là Navigius, đôi khi xuất hiện trong bút tích của thánh Augustinô. Bà còn một người con gái là Perpetua, sau này trở thành bề trên của một tu viện các nữ tu.

 

Trở về với Tin mừng, trong cuộc sống công khai, chắc chắn Chúa Giêsu đã chứng kiến nhiều cái chết cũng như tham dự nhiều đám tang. Nhưng việc Ngài làm cho kẻ chết sống lại được Tin Mừng ghi lại không quá ba lần: một em bé gái con của vị kỳ mục trong dân; Lazarô em trai của Marta và Maria; người thanh niên con của bà góa thành Naim. Cả ba trường hợp chỉ là hồi sinh, chứ không phải là phục sinh theo đúng nghĩa, bởi vì cuộc sống của những người này chỉ kéo dài được thêm một thời gian nữa, để rồi cuối cùng cũng trở về với bụi đất.

 

Chúa Giêsu đã không đến để làm cho con người được trường sinh bất tử ở cõi đời này, đúng hơn, Ngài đưa con người vào cuộc sống vĩnh cửu. Nhưng để đi vào cuộc sống vĩnh cửu thì điều kiện tiên quyết là con người phải kinh qua cái chết. Chết vốn là thành phần của cuộc sống và là một trong những chân lý nền tảng nhất mà Chúa Giêsu đến nhắc nhở cho con người. Mang lấy thân phận con người là chấp nhận đi vào cái chết. Chính Chúa Giêsu cũng không thoát khỏi số phận ấy. Thánh Phaolô đã nói về thái độ của Chúa Giêsu đối với cái chết: "Ngài đã vâng phục cho đến chết và chết trên Thập giá". Ðón nhận cái chết và đi vào cõi chết như thế nào để cuộc sống có ý nghĩa, đó là điều Chúa Giêsu muốn bày tỏ cho con người khi đi vào cái chết.

 

Một trong những cái chết vô nghĩa và do đó cũng chối bỏ ý nghĩa cuộc sống, đó là tự tước đoạt sự sống của mình. Những cái chết như thế là lời tự thú rằng cuộc sống không có, cuộc sống không còn ý nghĩa và như vậy không còn đáng sống. Jean Paul Sartre, người phát ngôn của cả thế hệ không tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống, đã viết trong tác phẩm "Buồn Nôn": "Tôi nghĩ rằng chúng ta đang ngồi đây ăn uống là để bảo tồn sự quí giá của chúng ta, nhưng kỳ thực, không có gì, tuyệt đối không có lý do gì để sống cả".

 

Chúa Giêsu đã vâng phục cho đến chết. Ðón nhận cái chết, Ngài đã thể hiện cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống sung mãn, Ngài đã chứng tỏ cho chúng ta thấy thế nào là một cuộc sống có ý nghĩa và đáng sống. Ðón nhận cái chết như ngõ đón vào vinh quang phục sinh, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy điểm đến và vinh quang đích thực, đó là sự sống vĩnh cửu. Ngài đã vâng phục cho đến chết. Vâng phục của Ngài là vâng phục trong tin tưởng, phó thác, trong khiêm tốn và yêu thương; đó là điều mang lại ý nghĩa cho cuộc sống và làm cho cuộc sống trở thành đáng sống.

 

Xin cho mỗi người chúng ta biết vâng phục Thiên Chúa Cha như Chúa Giêsu đã vâng phục.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này