Lời thật mất lòng
Lễ kỷ niệm thánh Gioan Tẩy giả bị hành quyết được cử hành để kỷ niệm ngày khánh thành một nhà nguyện trong hầm mộ ở Sébaste, Samarie, nơi tôn kính thánh nhân từ nửa đầu thế kỷ IV; đến thế kỷ V, lễ được cử hành ở Jérusalem, và tại các Giáo hội phương Đông cũng như ở Roma từ thế kỷ VI, với tước hiệu thánh Gioan bị hành quyết hoặc khổ nạn.
Trang Tin Mừng hôm nay, vua Hêrôđê mới nghe thấy danh tiếng của Chúa Giêsu nổi lên thì đã hoang mang lo sợ. Có tật giật mình, vua nghe thì sợ hãi cho rằng ông Gioan mà ông cho chém đầu đã sống lại để bắt tội vua chăng? Não trạng của người Do Thái bấy giờ cho rằng người sống lại có khả năng tuyệt vời, có quyền làm phép lạ. Vua sợ là phải, vì đã nhúng tay vào vụ giết người oan nghiệt trong Tin Mừng hôm nay.
Bởi sự thường nếu sai một li đi một dặm, ông thỏa hiệp với thú vui trong tiệc tùng, vì trót nhẹ dạ thề hứa nên sợ mất mặt với quan khách. Một cô gái nhảy được tán thưởng và thế là số phận vị Tẩy Giả bị quyết định. Tội này kéo theo tội khác, từ chỗ ngang nhiên cướp vợ anh mình, gây ra oán hận hờn căm nơi bà Hêrôđia với ông Gioan Tẩy Giả vì bị “cản mũi kỳ đà”, nên đã gây nên cái chết không án cho người vô tội.
Cái chết của thánh Gioan Tẩy Giả được Tin Mừng Máccô, và hai Tin Mừng nhất lãm còn lại cũng vậy, tường thuật lại trong một bối cảnh đặc biệt, đó là những thắc mắc liên quan đến Chúa Giêsu: (Mc 6, 16). Và để làm sáng tỏ những thắc mắc này, tác giả Tin Mừng đã kể lại thật chi tiết cái chết của Gioan. Như thế, cuộc đời của Gioan gắn liền với cuộc đời của Chúa Giêsu biết bao. Vì thế, trong lời nguyện nhập lễ, chúng ta thưa với Thiên Chúa rằng thánh Gioan là người đi trước loan báo Đức Kitô cả trong cách sinh ra lẫn trong cách chết đi. Thậy vậy, khi vừa được sinh ra, bố Giacaria của Gioan đã nói rằng: Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu là ngôn sứ của Đấng Tối Cao: con sẽ đi trước Chúa, mở lối cho Người. (Lc 1, 76)
Và với bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta “chứng kiến” thánh Gioan hoàn tất thật trọn vẹn sứ mạng của mình, vì ông không chỉ đi trước chuẩn bị cho những lối bước của Đức Chúa bằng lời rao giảng và phép rửa, nhưng bằng cả cái chết nữa, và xét cho cùng, bằng cả cách mình được sinh ra nữa.
Đó là hậu quả gây ra nỗi sợ hãi bất an của vua. Ông bị ám ảnh bởi cơn ác mộng về người công chính đã bị ông sát hại. Hôm nay, ông mới chỉ nghe đồn chứ chưa gặp Ngài mà đã run sợ. Sau này ông có cơ hội gặp Ngài mà cũng chẳng đổi thay được chuyện gì. “Vua Hêrôđê thấy Chúa Giêsu thì mừng rỡ lắm, vì từ lâu vua muốn được gặp Người bởi đã từng nghe nói về Người. Vả lại, vua cũng mong được xem Người làm một hai phép lạ. Nhà vua hỏi Người nhiều điều, nhưng Người không trả lời gì cả” (Lc 23, 8-10). Ông muốn gặp vì tò mò, không thiện chí nên không giải quyết được gì và thêm thất vọng.
Tin Mừng hôm nay là một thảm kịch diễn ra trong một bữa tiệc, kết thúc thật là bi thảm với cái chết oan nghiệt của Gioan Tẩy Giả. Ông đã bị bỏ tù vì dám quở trách Hêrôđê Antipa về tội ngoại tình lộ liễu. Cuối cùng ông đã phải chết cách bi thảm vì sự thật. Trình thuật này khiến ta nghĩ đến số phận đang chờ đón Chúa Giêsu, báo trước cho thấy cuộc khổ nạn, cái chết và cuộc an táng sau này của chính Ngài. Ông Gioan là chính hình ảnh phản ánh Chúa Giêsu, đến độ mới chỉ nghe danh tiếng Chúa Giêsu, vua Hêrôđê đã bị ám ảnh, mường tượng đó chính là hiện thân của Gioan Tẩy Giả trỗi dậy nên mới quyền năng như thế.
Tin Mừng kể lại cho chúng ta thật chi tiết bối cảnh dẫn đến cái chết của thánh Gioan, với sự tham dự của rất nhiều người, có thể nói của cả một vương quốc. Chúng ta có thể đọc lại từ từ và ghi lại những suy nghĩ và tâm tình mà trình thuật gợi ra cho chúng ta. Thánh Gioan bất động và im lặng trong ngục tù, nhưng lại làm bộc lộ ra những điều sâu kín nhất của con người: vô độ, sợ chân lí, ghen ghét, mưu đồ, bạo lực, phi nhân và có thể nói, thú tính. Những điều này thường được che đậy bằng những vỏ bọc vui vẻ, quảng đại, quí phái, danh dự…
Cuộc Thương Khó của Chúa Giêsu và nhất cái chết trên Thập Giá của Ngài còn có sức mạnh mặc khải sự dữ triệt để hơn và tuyệt đối hơn nữa, bởi vì Người là Con Chiên Vô Tội. Trong mầu nhiệm Vượt Qua, đối diện với Người sẽ là Sự Dữ và Sự Chết tuyệt đối, bởi lẽ Người là Sự Thiện và Sự Sống tuyệt đối. Người tự nguyện trở thành nạn nhân của Sự Dữ để hủy diệt Sự Dữ và chữa lành chúng ta khỏi Sự Dữ ngay hôm nay.
Cả cuộc đời và cả cái chết của ông Gioan đều báo trước cho sứ mạng Tiền Hô, tiền hô cả khi sống và cả lúc chết cho Đấng Cứu Thế. Cái chết của vị Ngôn sứ cuối cùng nói lên số phận của các Ngôn sứ là thế đó. Mở đầu và kết thúc đoạn Tin Mừng này đều nhắc tới Chúa Giêsu, cho thấy cái chết của ông Gioan như mối liên hệ, là báo trước cho cái chết của Chúa Giêsu. “Môn đệ ông đến lấy thi hài ông đem đi mai táng, rồi đi báo cho Chúa Giêsu.” Gioan Tẩy Giả phải chết, Chúa Giêsu cũng phải lãnh án tử, nhưng trổi vượt, vì chính Người đã sống lại từ cõi chết.
Lời Chúa hôm nay mời gọi mỗi người chúng ta hãy dám sống sự thật trong xã hội mà chúng ta đang sống. Một xã hội vẫn còn đó có biết bao nhiêu chuyện bất chính và tội ác, nhưng rồi chẳng thấy mấy ai dám lên tiếng để cảnh báo hay để chống lại, có vẻ như mọi sự đang im hơi lặng tiếng.
Xin cho mỗi người tín hữu chúng ta biết can đảm sống cho sự thật, biết xây dựng cho nhau qua sự góp ý và mạnh dạn chỉ ra những lỗi lầm thiếu sót, những sai trái trong đời sống đời thường cũng như trong công tác tông đồ.
Ngày nay chúng ta cũng được đồng hóa, nên một với Chúa, giống như Chúa. Xin cho chúng ta can đảm sống Đức Tin, trung thành với chân lý như Gioan, để chúng ta dám hy sinh cả mạng sống mình mà giúp anh em đến với Chúa, tin nhận Chúa và làm chứng cho sự thật.
Nhận xét
Đăng nhận xét